Quy định chưa sát thực tế

Thông tư 15/2011/TT-BTC về hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp (DN) ra đời đến nay gần 2 năm, nhưng số DN tại TPHCM quan tâm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mới đây, tại Hội nghị hướng dẫn thực hiện Thông tư 15 do Sở KH-CN TPHCM tổ chức, DN đã không ngần ngại chỉ ra nguyên nhân của vấn đề: DN bỏ tiền lập quỹ, nhưng muốn sử dụng phải chờ một đơn vị khác… cho phép.

Đại diện Công ty TNHH MTV Cây trồng TPHCM - ông Nguyễn Anh Thi, cho biết, quỹ do DN thành lập để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động KH-CN của DN. Đây là chủ trương đúng, nhưng chủ trương đó chưa đi liền với tiết giảm thủ tục hành chính và thời gian cho DN. Trên lý thuyết, DN muốn đầu tư mua công nghệ, máy móc mới để thay thế toàn bộ hoặc một phần dây chuyền sản xuất cũ phải được Sở KH-CN địa phương lập hội đồng khoa học thẩm định, cấp phép, song thời gian cho “công đoạn” này luôn kéo dài. Ông Long Hà, Trưởng phòng Pháp chế một DN tại quận 4 còn chỉ ra thêm, Thông tư 15 quy định: Giao quyền cấp kinh phí cho đề tài, dự án KH-CN của DN cho người quản lý quỹ và được thực hiện theo đúng Luật KH-CN; đồng thời, kết quả đề tài được hội đồng KH-CN đánh giá, nghiệm thu đạt yêu cầu, được áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN… Nhưng ở đây, ai cũng biết hoạt động nghiên cứu khoa học thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, có khi còn thất bại. Nên bắt người chi quỹ hoặc nhà khoa học phải hoàn trả kinh phí nghiên cứu thì liệu ai còn dám chi quỹ, dám nghiên cứu, cải tiến máy móc cho DN.

Chia sẻ với DN, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Phan Minh Tân cho rằng, ngành KH-CN đã xác định năng suất, chất lượng là chìa khóa của hội nhập. Song, số DN chú trọng đầu tư cho KH-CN hiện tại không nhiều. Mới đây, Bộ KH-CN đã khảo sát và công bố, tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các DN hiện chỉ đạt dưới 0,05% doanh thu và phần lớn đều sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ. Riêng tại TPHCM, khảo sát 900 DN hoạt động trên địa bàn thì tỷ lệ máy móc, thiết bị chính đang sử dụng có trình độ công nghệ trung bình và lạc hậu chiếm tới gần 90%.

Chính vì vậy, việc đổi mới công nghệ mới, tiến tiến là vô cùng cấp bách. Thông tư 15 của Bộ Tài chính ra đời, trên cơ sở yêu cầu của Luật KH-CN sửa đổi, nhằm tạo thêm một công cụ tài chính hỗ trợ DN. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một số quy định vẫn chưa sát với thực tế hoạt động sản xuất của DN. Sở KH-CN TPHCM đã từng kiến nghị giao quyền tự chịu trách nhiệm trích lập kinh phí cho DN. Nhà nước chỉ tiến hành hậu kiểm về mục đích sử dụng. Hiện nay, Sở KH-CN TP đang tạo mọi điều kiện nhanh nhất về thủ tục và thời gian để hỗ trợ DN sử dụng quỹ đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ. Tuy nhiên về lâu dài, phải có sự thay đổi từ các quy định pháp luật nếu muốn kích thích thêm nhiều DN tham gia lập quỹ.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục