Nghị định số 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ có hiệu lực vào ngày 25-11 tới đây, trong đó có rất nhiều quy định mà doanh nghiệp thường mắc phải, nếu không cập nhật kịp thời sẽ bị vi phạm. Đây là những vấn đề thiết thân đối với doanh nghiệp, do vậy, để đáp ứng thông tin kịp thời đến doanh nghiệp, chúng tôi giới thiệu một số nội dung chính trong nghị định này.
Luật sư trao đổi các vấn đề pháp luật với doanh nghiệp
Giam bằng, đòi thế chấp tiền… đều bị phạt
Những hành vi trước đây doanh nghiệp thường xử lý “nội bộ” thì nay nghị định đưa ra mức chế tài để buộc doanh nghiệp công khai. Cụ thể, nếu doanh nghiệp không thông báo công khai về nhu cầu tuyển lao động hoặc thông báo ít hơn 5 ngày làm việc hoặc thông báo không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật; không thông báo công khai kết quả tuyển lao động hoặc thông báo sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả tuyển lao động thì sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng cho người sử dụng lao động khi có hành vi thu tiền của người lao động tham gia tuyển lao động (song song với việc buộc trả tiền lại cho người lao động); không lập sổ quản lý lao động, lập sổ không đúng thời hạn, không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật…
Đáng chú ý nhất là quy định đảm bảo bình đẳng cho người nhiễm HIV, người khuyết tật trong tuyển dụng và sử dụng lao động. Cụ thể, hành vi phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật cũng bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
Những vi pham về hình thức hợp đồng lao động đã được quy định rõ ràng, chế tài cụ thể đối với người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản cho công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung cơ bản cũng bị xử lý. Mức phạt mới rất cao, từ 20- 25 triệu đồng đối với hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động; buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động. Đây là những hành vi mà các công ty bán hàng đa cấp hay mắc phải. Do vậy, với quy định này sẽ hạn chế được việc bắt người lao động làm việc cho mình mà không có hợp đồng, hoặc buộc người lao động phải đảm bảo bằng tài sản.
Không được chuyển việc trái hợp đồng
Nghị định bổ sung thêm quy định mới nhằm đảm bảo sự ổn định việc làm, tránh trù dập người lao động. Đó là, doanh nghiệp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động mà không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 3-7 triệu đồng. Đối với các trường hợp doanh nghiệp cố tình dây dưa, né tránh thực hiện đúng hình thức hợp đồng, đã qua 2 lần ký hợp đồng xác định thời hạn mà không ký hợp đồng dài hạn cũng bị xử lý. Không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động cũng bị phạt lên đến 20 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm. Việc đảo bảo quyền lợi cho người lao động thực hiện hợp đồng ngắn hạn đã có quy định chế tài khá cao: phạt từ 3-20 triệu đồng nếu doanh nghiệp không trả thêm một khoản tiền tương ứng với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hàng năm cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Nhiều hành vi mà doanh nghiệp thường hay né tránh, lách luật để ép người lao động cũng được quy định mức trách nhiệm rõ ràng như phạt 5-10 triệu đồng nếu doanh nghiệp sử dụng nội quy lao động đã đăng ký nhưng chưa có hiệu lực; doanh nghiệp xử lý kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại không đúng trình tự, thủ tục, thời hiệu theo quy định của pháp luật. Trường hợp người sử dụng lao động cho thôi việc từ 2 người lao động trở lên mà không trao đối với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở hoặc không thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế thì sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng…
Ngoài ra, nghị định cũng quy định chế tài đối với việc không đảm bảo thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cho người lao động, những hành vi cản trở hoạt động công đoàn trong doanh nghiệp…
Để nắm rõ thông tin, doanh nghiệp có thể truy cập chi tiết tại đây: http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=181700 |
NHI HOÀNG