Ý kiến bạn đọc

Quy định nghiêm về việc xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp

Con người đang phải đối mặt với nguy cơ môi trường sống ngày càng bị xâm hại: trái đất nóng dần lên; đại dương, sông ngòi bị ô nhiễm nghiêm trọng; rừng cây, đồi núi bị tàn phá; khí thải, rác rưởi tràn ngập… Bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những vấn đề được cả thế giới quan tâm hàng đầu, nhất là các nước tiên tiến và đang phát triển.

Đất nước ta đang trong giai đoạn tăng tốc về kinh tế. Nhà nước đã có nhiều dự án, kế hoạch sản xuất kinh doanh (kể cả kêu gọi đầu tư từ nước ngoài và trong nước); nhiều khu công nghiệp, dân cư mới đang xây dựng, mức sống của người dân được nâng cao hơn…Đó là những dấu hiệu đáng mừng.

Song nếu chúng ta chỉ chú trọng phát triển về kinh tế mà không quan tâm đến việc bảo vệ môi trường (trong đó có việc xử lý rác, nước thải sinh hoạt và công nghiệp) chắc chắn sẽ dẫn đến những thảm họa khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người dân. Nhật Bản vào thập niên 50, sau cuộc cách mạng về công nghiệp, đã phải đối phó với dịch bệnh và phải hết sức khó khăn để giải quyết những vấn đề về môi trường do rác thải công nghiệp gây ra.

Có thể tóm gọn kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong việc xử lý rác, nước thải trong 3 chữ “R”: Reduce (giảm rác), Reuse (tái sử dụng) và Recycle (tái chế). Để có thể thực hiện tốt 3 điều này cần phải có sự hợp tác tích cực của nhà nước và nhân dân. Các cơ quan, các ngành, các địa phương và người dân phải cùng nhau vận động, xây dựng ý thức và thói quen gom rác, phân loại và xử lý các loại rác.

Ví dụ: Khi bán một sản phẩm, như chai nước khoáng chẳng hạn, cửa hàng nên thu một khoản tiền thế chân và sẽ trả lại khi khách hàng đưa lại vỏ chai, bao bì; các hộ gia đình phải phân riêng từng loại rác trước khi đem đổ vào các thùng rác hoặc xe rác công cộng (một số nơi ở Hà Nội, Huế… đã vận động và tổ chức làm việc này)… Song song với công tác tuyên truyền, giáo dục, nhà nước cần có những quy định, luật lệ rõ ràng với những biện pháp chế tài, xử phạt đối những trường hợp vi phạm việc giữ gìn vệ sinh môi trường như ở một số nước.

Ở Thái Lan, xả rác nơi công cộng sẽ bị phạt 200 baht (1 baht = 1.800 đồng VN), ở Singapore phạt 100USD; ở Trung Quốc hái một bông hoa ở công viên sẽ bị phạt 50 nhân dân tệ… Bộ Tài nguyên-Môi trường cần xây dựng và áp dụng nghiêm khắc và triệt để những quy định về xử lý chất thải đối với các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất… Thực hiện tốt 3 chữ “R” nói trên chúng ta chẳng những bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống cho con người mà còn tiết kiệm được nguồn vật tư, nguyên liệu cho sản xuất.

BS ĐẶNG CHÂU
(Bệnh viện Triều An)

Tin cùng chuyên mục