Quy định nhập khẩu máy móc, thiết bị đã sử dụng gây cản trở bất hợp lý

Nhiều bất cập trong quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đang gây khó, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Quy định nhập khẩu máy móc, thiết bị đã sử dụng gây cản trở bất hợp lý

Nhiều bất cập trong quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đang gây khó, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nhập khẩu dây chuyền đã qua sử dụng. Ảnh: CAO THĂNG

Bất hợp lý!

Thông tư 20 quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được Bộ KH-CN ban hành, có hiệu lực thi hành ngày 1-9-2014. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã gây nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp. Bởi với những quy định trong dự thảo thông tư mới được đưa ra, các doanh nghiệp cho là quá cứng nhắc, không phù hợp với tình hình thực tiễn. Quy định không những không giảm tình trạng nhập máy móc kém chất lượng mà còn phát sinh thêm thủ tục và chi phí hành chính, chi phí cho doanh nghiệp.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 20, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam phải có tuổi đời chưa quá 10 năm và chất lượng còn 80% so với máy mới. Về quy định này, Phó Chủ tịch Hội cơ khí TPHCM Đỗ Phước Tống cho rằng, ngành cơ khí chế tạo mang tính đặc thù, một sản phẩm làm ra phải qua nhiều công đoạn và sử dụng những máy móc, thiết bị khác nhau. Có những máy sản xuất đã vài chục năm nhưng vẫn hoạt động tốt. Do đó, đưa ra quy định giới hạn thời gian máy móc, thiết bị nhập khẩu đã qua sử dụng không quá 10 năm là không phù hợp với ngành cơ khí, cản trở doanh nghiệp phát triển. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành này là những doanh nghiệp nhỏ, không có nhiều vốn để đầu tư công nghệ mới hoàn toàn.

Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam, ông Nguyễn Văn Dòng cho biết, quy định niên hạn 10 năm đối với tất cả máy móc, thiết bị thuộc các ngành khác nhau là không hợp lý. Bởi trong ngành in ấn, một số loại máy móc, thiết bị, nhất là các thiết bị điện tử, kỹ thuật số… niên hạn 10 năm là quá lạc hậu. Trong khi đó, những loại máy móc, thiết bị vận hành chủ yếu về cơ khí do các nước phát triển chế tạo ở trình độ cao thì thời gian trên lại quá ngắn. Đơn cử, với ngành in, những loại máy in truyền thống như in offset, in ống đồng, in Flexo… có sử dụng 20 năm hoặc hơn vẫn rất tốt nếu là máy của CHLB Đức, Nhật Bản, Mỹ, Italia… nên nếu cứ quy định nhập máy móc trong niên hạn 10 năm thì rất khó tìm mua trên thế giới, trừ các công ty bị phá sản muốn thanh lý.

Hay quy định tại Điều 8, bắt buộc máy móc phải đi qua cơ quan giám định độc lập, thực chất cũng chỉ là hình thức và mệnh lệnh, gây phiền hà thêm cho doanh nghiệp. Việc thẩm định tại cảng như trong thông tư nêu, các doanh nghiệp bày tỏ, liệu cơ quan, chuyên gia đăng kiểm nào của Việt Nam có đủ năng lực, móc móc, thiết bị để có thể khẳng định rằng số máy móc, thiết bị cần kiểm tra đạt chất lượng tối thiểu 80%? Bên cạnh đó, tại cảng, máy được đóng trong container nên doanh nghiệp không thể đóng điện để vận hành kiểm tra. Do đó, việc giám định chất lượng tại cảng chỉ mang tính đối phó!

Thiếu cụ thể, không khả thi

Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Máy công cụ & Thiết bị T.A.T Trương Quốc Tuấn, nhiều điểm trong quy định tại thông tư không khả thi và chưa sát với thực tế. Bởi lẽ, đến nay Việt Nam chưa ban hành tiêu chuẩn đối với máy móc, thiết bị nên không có căn cứ nào để xác định chất lượng còn lại. Trong khi đó, việc đánh giá chất lượng còn lại so với ban đầu, nhưng lại không có tiêu chuẩn quốc gia để đánh giá chất lượng máy móc, thiết bị nhập khẩu sẽ làm mất đi ý nghĩa của việc kiểm soát chất lượng theo tinh thần của dự thảo.

“Từng quốc gia áp dụng tiêu chuẩn chất lượng khác nhau nên cùng một loại máy móc, thiết bị nhập khẩu, nếu được nhập từ Trung Quốc mới 100% chưa chắc đã bằng máy móc, thiết bị nhập khẩu đã qua sử dụng của Nhật (áp dụng tiêu chuẩn JIS) hoặc Đức (áp dụng tiêu chuẩn DIN) còn dưới 70%...”, ông Tuấn đặt vấn đề.

Ngoài ra, theo phản ánh của một số doanh nghiệp liên doanh, trước xu thế hội nhập, hiện đang có xu hướng các công ty nước ngoài chuyển các nhà máy sản xuất từ các nước phát triển hoặc những nước có chi phí lao động cao sang các nước cạnh tranh và đang phát triển như Việt Nam. Do đó, việc đưa ra Thông tư 20 quy định những ràng buộc về nhập khẩu máy móc thiết bị nói trên vô tình tạo rào cản trong việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

“Công ty chúng tôi đang chuyển các dây chuyền công nghệ từ nhiều nhà máy ở các nước về Việt Nam. Các thiết bị, máy móc này được nhập khẩu không phải từ một nước mà từ ba hoặc bốn nước khác nhau nên rất khó cho doanh nghiệp giám định chất lượng còn lại là bao nhiêu phần trăm”, đại diện một doanh nghiệp nước ngoài cho biết.

Hầu hết ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng, việc tồn tại quy định trên là không cần thiết khi nội dung liên quan tới quá nhiều ngành và lĩnh vực, trong khi mỗi ngành, lĩnh vực lại có đặc thù riêng. Trường hợp áp dụng quy định, các cơ quan chức năng nên phân nhóm sản phẩm để xác định giới hạn tỷ lệ và thời gian sử dụng tương ứng phù hợp.

Theo ông Lê Anh Ba, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, với những tiêu chí chủ quan và thiếu cụ thể như trong dự thảo Thông tư 20 sẽ làm phát sinh thủ tục phức tạp, mất thời gian vào công việc cũng như chi phí giám định. “Thay vì cho ra đời một văn bản, thông tư như dự thảo, nhà nước và các cơ quan chức năng nên đưa ra những quy định để đảm bảo máy móc không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ an toàn cho người lao động”, ông Ba đề xuất.

THẢO TIÊN

Tin cùng chuyên mục