Quy định quản lý, hoạt động báo chí: Thừa mà thiếu

“Báo in có xu hướng ngày càng giảm, truyền hình và báo điện tử ngày càng phát triển. Hoạt động của các cơ quan báo chí có xu hướng chuyển dần sang mô hình truyền thông đa phương tiện, có nhiều loại hình báo chí. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là cần phải điều chỉnh đầy đủ trong hệ thống cấu trúc của pháp luật về báo chí. Luật Báo chí không còn phù hợp với hoạt động báo chí hiện nay, không theo kịp sự phát triển mới nảy sinh, trở thành chiếc áo chật hẹp so với yêu cầu phát triển của báo chí hiện nay. Do vậy việc sửa đổi Luật Báo chí là điều cấp thiết”, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn đã phát biểu như vậy tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí. Hội nghị do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại TPHCM vào ngày 28-7.

“Báo in có xu hướng ngày càng giảm, truyền hình và báo điện tử ngày càng phát triển. Hoạt động của các cơ quan báo chí có xu hướng chuyển dần sang mô hình truyền thông đa phương tiện, có nhiều loại hình báo chí. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là cần phải điều chỉnh đầy đủ trong hệ thống cấu trúc của pháp luật về báo chí. Luật Báo chí không còn phù hợp với hoạt động báo chí hiện nay, không theo kịp sự phát triển mới nảy sinh, trở thành chiếc áo chật hẹp so với yêu cầu phát triển của báo chí hiện nay. Do vậy việc sửa đổi Luật Báo chí là điều cấp thiết”, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn đã phát biểu như vậy tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí. Hội nghị do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại TPHCM vào ngày 28-7.

Chiếc áo đã chật

Nêu ý kiến về những bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội), cho rằng các quy phạm pháp luật về báo chí được quy định trong quá nhiều văn bản. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có đến 50 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này; chưa kể các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương và văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, những văn bản này đều được kiểm nghiệm qua thực tế áp dụng nên có thể xem xét để hợp nhất vào Luật Báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà quản lý, nhà báo và người dân theo dõi, thi hành. Bên cạnh đó, tuy số lượng nhiều nhưng quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật về báo chí chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí.

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết dẫn chứng: tuy có quy định báo chí phải được quyền tiếp cận thông tin một cách kịp thời, đầy đủ và chính xác nhưng thực tế, việc báo chí tiếp cận thông tin, tiếp cận với người phát ngôn thường gặp nhiều khó khăn. Người phát ngôn có thể lấy lý do điều báo chí hỏi là vấn đề thuộc bí mật nhà nước, viện cớ bận họp hành để từ chối cung cấp thông tin. Hoặc Luật Báo chí quy định cơ quan báo chí phải cải chính, xin lỗi khi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, thế nhưng quy định này rất khó thực hiện...

Ông Phạm Quốc Toàn (Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) thông tin thêm: trong hoạt động báo chí có biểu hiện nơi này, nơi khác, cá nhân hoặc tổ chức cản trở nhà báo tác nghiệp hợp pháp đúng quy định của pháp luật như bưng bít thông tin, thu máy ảnh, máy quay phim, hành hung, dọa nạt nhà báo, sản sinh các quy định “làm khó” cho hoạt động báo chí. Khi có các biểu hiện trên, các cấp hội nhà báo cần lên tiếng kịp thời, trực tiếp gặp gỡ, đối thoại bảo vệ quyền hành nghề cho nhà báo hội viên. Tuy nhiên, ông Phạm Quốc Toàn cho biết hoạt động này của hội mới dừng lại ở mức độ đề nghị, kiến nghị nên hiệu lực chưa cao.

Trao đổi về vấn đề quy hoạch báo chí, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng điều quan trọng là phải tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển lành mạnh của báo chí.

“Siết” báo điện tử

Báo điện tử có đặc thù là thông tin nhanh, phong phú và tích hợp đa phương tiện (ảnh, clip, file âm thanh). Nhờ những ưu điểm này, những năm gần đây báo điện tử có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, nhà báo Bùi Sĩ Hoa (Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamnet) cũng thừa nhận rằng ở một số báo điện tử xuất hiện xu hướng “lá cải hóa” theo phong cách sốc - sex - sến.

Cụ thể: do nhu cầu thu hút bạn đọc nên chất lượng thông tin nhiều khi thiếu chính xác, thiếu khách quan; bị chi phối bởi khuynh hướng thương mại hóa dẫn đến đôi khi làm “nóng” những vấn đề không đáng; có những tờ báo điện tử xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, xem nhẹ chức năng chính trị, tư tưởng của báo chí cách mạng.

Chưa kể xảy ra tình trạng một số báo điện tử vi phạm bản quyền thông tin, sao chép, “xào” lại tin bài của báo khác mà không có thỏa thuận hợp tác trao đổi thông tin. “Việc báo này lấy nguồn từ báo kia rồi đăng tải lại thông tin mà không được kiểm chứng dẫn đến sai sót dây chuyền, gây tác hại theo cấp số nhân”, ông Bùi Sĩ Hoa nhận xét.

Đồng ý với nhìn nhận này, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, báo điện tử không xuất bản theo số mà cập nhật tin, bài đến từng phút; khi phát hiện sai sót có thể chỉnh sửa hoặc tự gỡ bỏ từng phần, thậm chí gỡ bỏ cả bài ra khỏi trang báo. Do vậy rất khó xác định bản nào được xem là bản gốc để lưu chiểu, lưu trữ cũng như khó có căn cứ để khởi kiện hoặc buộc cải chính khi báo có sai phạm. Một đặc điểm đáng chú ý khác của báo điện tử là khả năng tương tác tức thời với độc giả. Bản thân các báo điện tử cũng luôn có nguy cơ bị kẻ xấu chèn thông tin không lành mạnh, ngoài ý muốn, làm ảnh hưởng đến uy tín của báo và gây nhiễu loạn thông tin. Từ đó, ông Thuyết đề xuất cần bổ sung những quy định liên quan đến báo điện tử.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, các đại biểu để đưa các nội dung này vào chương trình xây dựng Đề án Luật Báo chí sửa đổi.

Tính đến ngày 31-12-2013, cả nước có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm, 90 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh, truyền hình; có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Vẫn xảy ra tình trạng một số người lợi dụng danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí dọa dẫm, sách nhiễu địa phương, doanh nghiệp để vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và quy trình tác nghiệp dẫn đến vi phạm pháp luật bị xử lý.

Trong năm 2013, có 4 phóng viên bị cơ quan điều tra khởi tố bắt giam, không ít phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp bị cá nhân, tổ chức khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, một số cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin giật gân, câu khách; thông tin thiếu nhạy cảm chính trị, chưa chính xác, thậm chí sai sự thật, làm tổn hại đến lợi ích đất nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và cá nhân (đặc biệt trên báo điện tử).

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục