Quy hoạch dự án miền Trung – Tây Nguyên: Tái định cư vội vã, tạm bợ

Sống chung với quy hoạch “treo”
Quy hoạch dự án miền Trung – Tây Nguyên: Tái định cư vội vã, tạm bợ

Bao giờ an cư để lạc nghiệp, đó là khao khát của người dân các vùng dự án đã có quy hoạch nhưng không được triển khai, hoặc triển khai ì ạch.

Ông Nguyễn Thanh Tồng, khu vực Đồng Rọ, thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang bên ngôi nhà tạm bợ.

Ông Nguyễn Thanh Tồng, khu vực Đồng Rọ, thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang bên ngôi nhà tạm bợ.

Sống chung với quy hoạch “treo”

Ông Nguyễn Văn Đỗ, Phó thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang cho biết: “Trước đây tôi là trưởng thôn Đồng Rọ, nhưng nay thôn Đồng Rọ được nhập vào thôn Vĩnh Xuân nên gọi là khu vực Đồng Rọ”. Hiện toàn khu vực Đồng Rọ có 152 hộ, với trên 500 nhân khẩu. Tại đây có nhiều dự án được quy hoạch và bây giờ là quy hoạch Khu đô thị Tây Lê Hồng Phong, nhưng tất cả chỉ là quy hoạch treo. Và dân cứ sống tạm bợ như vậy.

Tại xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, người dân cứ như ngồi trên lửa khi dự án Khu dân cư xã Hòa Phú (diện tích 118ha) đã treo 5 năm nay.

Vốn là vùng nuôi tôm sú trù phú nhất tỉnh Bình Thuận, năng suất tôm cao hơn nhiều so với các vùng khác. Từ năm 1994 đến 1998, tỉnh Bình Thuận đã đầu tư gần 4 tỷ đồng, kiên cố hóa kênh mương. Dân cũng mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi tôm. Thế nhưng, trong các năm 2001 - 2006, dịch bệnh tôm bùng phát, người nuôi tôm trắng tay. Nợ nần chồng chất. Đùng một cái, quy hoạch dự án. Tỉnh ra quyết định thu hồi đất. Theo đó, người dân không được canh tác trong vùng đã quy hoạch. Thế là muốn trả nợ ngân hàng dân chỉ trông vào số tiền đền bù, giải tỏa. Nhưng đã gần 5 năm trôi qua, dự án này vẫn không được triển khai.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Hội trưởng Hội Nuôi tôm xã Hòa Phú, lo lắng: “Do Hòa Phú là vùng nuôi tôm có năng suất và lợi nhuận cao nên ngân hàng rất “rộng tay” cho vay. Hồi đó, số tiền người dân vay để đầu tư nuôi tôm rất lớn, hộ ít nhất cũng gần trăm triệu, nhiều vài trăm triệu. Lúc làm ăn thất bát, không được khoanh nợ, nên bây giờ quá hạn thành nợ chồng chất”.

Ông Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, cho biết: Dự án Khu dân cư Hòa Phú nhằm phát triển đô thị, hướng tới thị trấn Phan Rí Cửa thành thị xã và tách khỏi huyện Tuy Phong. Nhưng dự án triển khai ì ạch, xã chỉ biết động viên bà con chờ đợi.

Tái định cư... không an cư

Gần chục năm nay, tên hai thôn Ninh Yển và Mỹ Giang, xã Ninh Phước, huyện Ninh Hòa xuất hiện khá nhiều trên các mặt báo bởi chuyện bụi NIX của Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin. Giữa năm 2005, tỉnh Khánh Hòa có chủ trương di dời toàn bộ dân hai thôn này đến nơi ở mới. Theo kế hoạch ban đầu, địa điểm lập khu tái định cư (TĐC) ở phía Bắc thôn Ninh Tịnh, cũng thuộc xã Ninh Phước. Dân đồng tình, việc kê khai, đền bù, lập các khu TĐC nhanh chóng được triển khai.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2007, Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong được xây dựng tại thôn Mỹ Giang; tiếp đến, đầu tháng năm 2009, tổ hợp lọc dầu Petrolimex có công suất 10 triệu tấn/năm và Nhà máy nhiệt điện than Sumitomo (Nhật) công suất 2.640 MW được Chính phủ đồng ý về chủ trương xây dựng tại Ninh Phước.

Do vậy, diện tích xã Ninh Phước được xem như gần hết, với 4 đại dự án. Phương án di dời hai thôn Ninh Yển và Mỹ Giang phải thay bằng kế hoạch di dời toàn bộ dân xã Ninh Phước.

Qua nhiều cuộc tiếp xúc với dân để chọn địa điểm TĐC. Phương án di dời đến xã Ninh Thủy được thống nhất. Tuy nhiên, phương án này lại vướng phải dự án Khu dân cư Ninh Thủy của Công ty TNHH Hoàn Cầu. Thế là, sau hai lần bị “lỡ hẹn”, tháng 3-2009, thay vì TĐC tập trung, tỉnh Khánh Hòa quyết định phương án TĐC phân tán.

Theo đó, các hộ làm nghề biển của Ninh Phước được TĐC tại khu TĐC Xóm Quán, xã Ninh Thọ, với khoảng 40ha (do Ban quản lý KKT Vân Phong làm chủ đầu tư); các hộ làm nghề nông và nghề khác về khu TĐC Ninh Thủy, với diện tích khoảng 100ha (do huyện Ninh Hòa làm chủ đầu tư). Giai đoạn 1 sẽ di dời 900 hộ dân với 3.500 khẩu của hai thôn Mỹ Giang, Ninh Yển. Riêng thôn Ninh Tịnh di dời trong giai đoạn 2, sớm nhất cũng sau 2015.

Ở khu TĐC sẽ rất nhiều khó khăn, đó là lo lắng chung của người dân Ninh Phước. Bà Nguyễn Thị Nghê, 57 tuổi, thôn Mỹ Giang, cho biết: Trong vòng chục năm qua, hàng trăm hộ dân nơi đây khấm khá hơn nhờ nghề làm tỏi. Như gia đình bà, những năm trước, cuộc sống rất chật vật, nhưng thời gian gần đây cũng có của ăn của để. Với diện tích chưa đến nửa sào (500m²), mỗi năm, trừ chi phí gia đình bà cũng thu được trên 30 triệu đồng. Ngoài ra còn có thu nhập từ hoa màu khác.

Khi nghe hỏi về việc cả xã sẽ di dời đến Xóm Quán và khu TĐC Ninh Thủy, bà Nghê lắc đầu ngao ngán: “Lên đó, đất cằn cỗi, biết làm gì để sống!”. Với thôn Ninh Yển, gần 100% dân sống nhờ biển. Giờ đây, lên khu TĐC, chỗ neo đậu tàu thuyền tạm ổn, nhưng lại xa nơi khai thác. Tàu thuyền của ngư dân công suất nhỏ, khai thác chủ yếu gần bờ, nay đến nơi ở mới cách ngư trường đánh bắt hơn 20km, chi phí rất cao.

Dân lo, lãnh đạo xã cũng lo. Việc làm cho gần 1.500 hộ dân, với trên 6.500 nhân khẩu toàn xã Ninh Phước là cả một vấn đề. “Nhiều cuộc họp với lãnh đạo tỉnh và huyện, việc đào tạo nghề cũng có bàn đến, nhưng vẫn chưa có hướng ra” - bà Đỗ Thị Dù, Chủ tịch UBND xã Ninh Phước cho biết.

Tại Kon Tum, công trình thủy điện Plei Krông được khởi công vào đầu năm 2003, có 2 tổ máy với công suất 100 MW. Kèm theo thủy điện Plei Krông là 4.000ha đất sản xuất và đất ở bị ngập, gần 1.400 hộ với trên 6.000 người phải di dời.

Theo Ban quản lý Dự án thủy điện 4, thời gian qua, ban đã có nhiều cố gắng trong công tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, các hạng mục thiết yếu để đảm bảo phục vụ đời sống nhân dân vùng TĐC. Tuy nhiên, thực tế đến nay, việc bố trí TĐC cho người dân vùng lòng hồ vẫn còn quá nhiều điều phải bàn.

Cụ thể như tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) còn tới 93 hộ dân chưa có đất sản xuất (đất quá xấu, không thể canh tác) hoặc một số hộ đã nhận đất nhưng lại bị tranh chấp. Đất khai hoang làm lúa nước lại ở trên cao, thành ra trong tổng số 51ha được chia cho 651 hộ chỉ có 33ha canh tác được 2 vụ, diện tích còn lại không có nước.

Còn tại công trình thủy điện An Khê – Ka Nak (trên địa bàn huyện Kbang và thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), do Ban quản lý Dự án thủy điện 7 không làm tốt khâu đền bù, TĐC cho người dân vùng lòng hồ nên mặc dù đã chặn dòng (ngày 13-9-2010), song nhiều hộ dân vẫn chưa có đủ đất sản xuất. Nguy cơ đói mùa giáp hạt trong vụ đông-xuân tới là điều thấy rõ.

Quy hoạch treo kéo dài và tái định cư nơi vội vã, nơi tạm bợ đang là vấn đề bức xúc lâu nay của người dân vùng dự án…

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục