Cảng biển Trần Đề: "Mảnh ghép hoàn hảo" giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ĐBSCL

"Khi đầu tư xong và đưa vào vận hành, Cảng biển Trần Đề sẽ là cửa ngõ giao thương đường biển của cả vùng ĐBSCL. Đây thực sự là mảnh ghép hoàn hảo giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của vùng", ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định.
Phối cảnh bến cảng ngoài khơi Trần Đề

Phối cảnh bến cảng ngoài khơi Trần Đề

Ngày 7-8, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo Đầu tư Cảng biển Trần Đề.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT; lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh thành ĐBSCL; cùng lãnh đạo các tập đoàn, nhà đầu tư, chuyên gia…

Các đại biểu chủ trì hội thảo

Các đại biểu chủ trì hội thảo

Theo phương án, Cảng biển Trần Đề có tổng diện tích 4.960ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 50.000 tỷ đồng. Trong đó, diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi là 960ha (giai đoạn đầu 580ha); diện tích khu dịch vụ, hậu cần, cảng logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ là 4.000ha (giai đoạn đầu 1.000ha). Cảng sẽ có vùng hấp dẫn đối với 8 tỉnh thành gồm: Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Cảng biển Trần Đề có cầu vượt biển dài 18km, 15 cầu cảng, đê chắn sóng dài 8,3km. Công suất thiết kế, cảng có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container 100.000 DWT, tàu hàng rời 160.000 DWT với công suất từ 80-100 triệu tấn/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu phát biểu tại hội thảo

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL còn hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa phát triển đồng đều và thiếu mối liên kết giữa các phương thức vận tải; quy mô, năng lực vận tải đường thuỷ còn thấp, chưa có cảng đầu mối và các trung tâm logistics lớn… Do đó, việc đầu tư Cảng biển Trần Đề thành cửa ngõ giao thương đường biển của vùng ĐBSCL là mảnh ghép hoàn hảo, giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của vùng.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đóng góp ý kiến tại hội thảo

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đóng góp ý kiến tại hội thảo

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, trung bình mỗi năm, công ty xuất khẩu từ 25.000 đến 30.000 tấn thủy sản, chủ yếu thông qua các cảng tại khu vực Đông Nam bộ. Trong khi hàng hóa từ công ty đến các cảng này khá xa, mật độ lưu thông rất cao, chi phí vận chuyển 2 chiều mỗi container lạnh 40 feet lên đến 700 USD. Do đó, nếu có Cảng biển Trần Đề, ước tính mỗi năm công ty sẽ giảm chi phí được khoảng 20 tỷ đồng/năm, giảm áp lực rủi ro hàng hóa vận chuyển trên đường, tăng niềm tin với đối tác, đặc biệt là giúp giảm giá thành tăng sức cạnh tranh quốc tế đang diễn ra khốc liệt.

Cùng mong mỏi Cảng biển Trần Đề sớm hình thành, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng: ĐBSCL có 3 vựa sản phẩm hàng hóa lớn, gồm thuỷ sản, rau củ quả và lúa gạo có tầm ảnh hưởng quốc tế, hàng chục triệu tấn hàng hoá xuất khẩu đi khắp các quốc gia mỗi năm. Trong đó, công ty xuất khẩu khoảng 200.000 tấn gạo/năm, nên việc có cảng biển trong vùng sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho đơn vị trong việc xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T kiến nghị Chính phủ cần quan tâm, xem xét hỗ trợ vốn đầu tư cầu dẫn 18km để giảm áp lực nguồn vốn đầu tư cho tư nhân; do khu vực huyện Trần Đề thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, do đó đề xuất áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án ưu đãi đặc biệt theo quy định; đề xuất thời gian của dự án lên 70 năm để nhà đầu tư đảm bảo nguồn thu ổn định và thu hồi vốn…

Hệ thống giao thông vùng ĐBSCL kết nối với Cảng biển Trần Đề

Hệ thống giao thông vùng ĐBSCL kết nối với Cảng biển Trần Đề

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Ban Đối ngoại Tập đoàn Sun Group kiến nghị, để tạo nguồn hàng cho cảng biển này cần thành lập khu kinh tế Trần Đề, trong đó có các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu phi thuế quan tại bến cảng; kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn xây đê chắn sóng. Đối với các đơn vị vận hành, khai thác cảng, cần được xem xét miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất; cần có cơ chế chính sách khai thác mỏ cát phục vụ công tác xây dựng cảng, nạo vét luồng lạch kết nối cảng; xem xét giải phóng mặt bằng dự án theo hình thức đầu tư công…

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết: Chậm nhất đến quý I-2024, bộ sẽ có quy hoạch tổng thể, quy hoạch 5 năm và quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng để làm cơ sở cho việc kêu gọi đầu tư, xây dựng Cảng biển Trần Đề.

Tin cùng chuyên mục