Quy hoạch kinh tế - xã hội phải đi trước quy hoạch đô thị

Sau 2 chuyên đề phản ánh thực tế quy hoạch, sử dụng đất đai tại TPHCM, Báo SGGP đã nhận được nhiều góp ý, hiến kế thêm. PV báo SGGP ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, doanh nghiệp về các vấn đề có liên quan nói trên. 
Khoảng 200m cuối đường Tân Thới Nhất 1B phường Tân Thới Nhất (quận 12, TPHCM) dẫn vào khu tái định cư 38ha chưa được hoàn thiện. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Khoảng 200m cuối đường Tân Thới Nhất 1B phường Tân Thới Nhất (quận 12, TPHCM) dẫn vào khu tái định cư 38ha chưa được hoàn thiện. Ảnh: HOÀNG HÙNG

PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TPHCM: Tập trung thu hút nhà đầu tư lớn

Quy hoạch kinh tế - xã hội phải đi trước quy hoạch đô thị ảnh 1

Nhiều dự án, chương trình thực hiện quy hoạch tổng thể không gian đô thị bị “treo”, chủ yếu là do không gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Để quản lý, sử dụng đất một cách hiệu quả, phát triển đô thị bền vững, chúng ta phải làm quy hoạch kinh tế - xã hội đi trước quy hoạch không gian đô thị. Lập quy hoạch kinh tế - xã hội để xem xét, đánh giá tiềm năng cũng như khả năng phát triển của vùng đất đó. Không chỉ có thế, còn phải cân nhắc đến xu hướng phát triển của thế giới để hoạch định các chính sách cho phù hợp. Giải được bài toán về kinh tế kết hợp với đánh giá tiềm năng tự nhiên để làm quy hoạch thì sẽ hạn chế được quy hoạch “treo”. 

Với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, muốn đẩy nhanh thì phải gỡ ngay các vướng mắc trong cơ chế chính sách, đặc biệt việc chi trả đền bù phải thực hiện ngay khi 2 bên đã thỏa thuận được mức giá. Một giải pháp nữa nhằm tránh dự án “treo” là phải tìm được nhà đầu tư lớn có khả năng giải quyết hợp tình, hợp lý những vướng mắc, khó khăn. Và khi giao dự án thì cơ quan Nhà nước phải “chốt” thời hạn hoàn thành, quá thời hạn sẽ thu hồi. 

TPHCM rộng 2.061km2, nhưng diện tích đất đưa vào sử dụng không nhiều, chỉ chừng 750km2 và chủ yếu tại các quận nội thành. Để đất đai ở đây được sử dụng hiệu quả hơn, cần sắp xếp lại từng khu và tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, kỹ thuật để thu hút người dân.

Luật sư LÊ TRUNG PHÁT, Đoàn Luật sư TPHCM, Giám đốc Hãng Luật Lê Trung Phát: Thay đổi cách đánh giá năng lực nhà đầu tư

Quy hoạch kinh tế - xã hội phải đi trước quy hoạch đô thị ảnh 2

Trước ngày 1-1-2021 khi Luật Đầu tư 2020 chưa có hiệu lực thi hành, các dự án có sử dụng đất đều phải tuân thủ theo Luật Đầu tư 2014 và Luật Đất đai 2013. Trong 2 văn bản luật này, cùng một nội dung liên quan đến việc thu hồi dự án có quy định chưa thống nhất với nhau, dẫn đến cơ quan chức năng gặp khó. Theo Luật Đầu tư 2014 tại Điều 48 quy định: Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện, hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện theo Điều 46 thì dự án bị thu hồi và chấm dứt hoạt động. Thế nhưng, vì nó liên quan đến quyền sử dụng đất mà trước đó chủ đầu tư đã được giao, thuê nên phải chịu cả sự điều chỉnh của Luật Đất đai 2013. Tại Điều 64 của Luật Đất đai 2013 lại quy định: Nếu chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ lúc được giao đất, cho thuê đất thì được gia hạn sử dụng thêm 24 tháng. 

Như vậy, cơ quan cấp phép giấy chứng nhận đầu tư không thể tự ý thu hồi giấy phép đã cấp, cho dù chủ đầu tư đã vi phạm tiến độ thực hiện dự án. Thế nhưng, sau ngày 1-1-2021, vấn đề xung đột về luật pháp đã không còn, khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực, bởi tại điểm D khoản 2 Điều 48 luật này quy định, việc thu hồi dự án sẽ theo quy định của Luật Đất đai. 

Theo tôi, thứ nhất nên tạo cơ chế đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất cho các dự án. Thứ hai, nên bỏ qua quy định đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư dựa vào vốn điều lệ mà công ty đã đăng ký với cơ quan chức năng. Thứ ba, tăng cường cơ chế giám sát của cơ quan chức năng, buộc chủ đầu tư phải thông báo tiến độ thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt đến cơ quan cấp phép. Việc này giúp cơ quan quản lý chủ động nắm được thông tin tiến độ dự án, đồng thời tạo ra dữ liệu công khai để chính những người khách của chủ đầu tư được tiếp cận thông tin nếu cần. Thứ tư, cần tạo ra cơ chế phạt thật nặng những dự án chậm tiến độ, những dự án không thực hiện. Thứ năm, cần có kế hoạch thực hiện quy hoạch cụ thể để tránh tình trạng địa phương vì áp lực trong việc thu ngân sách, phát triển kinh tế mà cấp phép dự án ồ ạt, thiếu tính khả thi. 

Bà NGUYỄN THANH HƯƠNG, Tổng Giám đốc Vạn Phúc Land: Đầu tư những dự án nhà ở hợp nhu cầu người dân

Quy hoạch kinh tế - xã hội phải đi trước quy hoạch đô thị ảnh 3

Để một dự án nhà ở sau khi triển khai có người đến ở ngay thì dự án đó đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người mua. Nhìn lại nhiều dự án nhà ở bị bỏ hoang tại TPHCM và các tỉnh thành lân cận, chúng ta dễ dàng nhận thấy đó là những dự án mà người mua muốn về xây nhà để ở cũng rất khó vì hạ tầng không đồng bộ, thiếu tiện ích và quá xa khu dân cư hiện hữu.

Do đó vấn đề đặt ra là khi xem xét phê duyệt dự án, cơ quan chức năng cần xem dự án đó có đáp ứng ngay nhu cầu nhà ở của người dân hay không, hay chỉ là những dự án đón đầu cho hàng chục năm về sau. Luật cũng quy định khá rõ, chủ đầu tư phải xây nhà xong mới bán, nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn lách luật bằng các kiểu hợp đồng như hợp tác đầu tư, góp vốn… Vì vậy, chọn nhà đầu tư đủ năng lực để giao dự án cũng là một giải pháp hạn chế tình trạng nhiều doanh nghiệp “bán đất” xong mà không xây nhà.

11 nhóm chính sách đề xuất sửa đổi trong dự thảo Luật Đất đai

Tháng 7-2021, trong tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa dự án Luật Đất đai sửa đổi vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách đã được xác định rõ ràng phương án xử lý, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng để giải quyết những yêu cầu thực tiễn cấp bách đặt ra. Cụ thể:

Một là, làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; phân cấp phân quyền và cải cách thủ tục hành chính.

Hai là, phân loại đất theo mục đích sử dụng, theo không gian và chức năng sử dụng đất.

Ba là, hoàn thiện quy định về các đối tượng sử dụng đất để đảm bảo đồng bộ thống nhất với các pháp luật khác có liên quan.

Bốn là, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo, nâng cao chất lượng đất đai.

Năm là, thu hồi đất để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sáu là, hoàn thiện chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác.

Bảy là, về kinh tế đất đai; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Tám là, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai.

Chín là, quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.

Mười là, hoàn thiện quy định về quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng các loại đất.

Mười một là, hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục