Quy hoạch ngành vượt cả luật!

Dù các quy định pháp luật đã quy định thành nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thế nhưng ở nhiều ngành nghề dù doanh nghiệp đủ điều kiện vẫn không đăng ký được vì vướng… quy hoạch ngành! Có nghĩa là, luật mở nhưng các ngành, địa phương siết bằng các quy định theo kiểu “phép vua thua lệ làng”.

Dù các quy định pháp luật đã quy định thành nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thế nhưng ở nhiều ngành nghề dù doanh nghiệp đủ điều kiện vẫn không đăng ký được vì vướng… quy hoạch ngành! Có nghĩa là, luật mở nhưng các ngành, địa phương siết bằng các quy định theo kiểu “phép vua thua lệ làng”.

Trước đây, lấy lý do hạn chế các hoạt động vui chơi giải trí, TPHCM siết hoạt động kinh doanh karaoke bằng cách quy hoạch điểm để cấp phép karaoke. Quy định này đã phát sinh nhiều tiêu cực như “chạy” giấy phép karaoke, hay biến tướng thành việc mở chi nhánh để né xin phép từ đầu… Nếu lấy lý do karaoke là ngành dịch vụ vui chơi giải trí không cần phát triển nhiều nên hạn chế thì còn được, nhưng nay, chẳng hiểu vì lý do gì TPHCM lại “quy hoạch” luôn cả điểm cấp phép Phòng Công chứng tư. Nhiều doanh nghiệp, luật sư muốn mở Phòng Công chứng tư vẫn không xin được giấy phép, không phải vì thiếu điều kiện luật định mà vướng ở các quy định tại địa phương! Điểm được quy hoạch có hạn, người có nhu cầu kinh doanh thì nhiều nên không còn “suất”. Trong khi nhu cầu hiện nay của người dân ở các phòng công chứng là rất lớn, các hoạt động chứng thực, công chứng các văn bản, chữ ký, hợp đồng trước đây giao thẩm quyền cho chính quyền địa phương, nay đã được chuyển sang làm dịch vụ tại Phòng Công chứng. Do vậy, các phòng công chứng đang quá tải, người dân có nhu cầu công chứng, chứng thực phải xếp hàng chờ. Lẽ ra việc cung - cầu, tính toán trong hoạt động kinh doanh của mình là phải do doanh nghiệp tự quyết định, tại sao Sở Tư pháp lại quy hoạch hạn chế? Phải chăng có quy hoạch mới có thế độc quyền, người dân muốn kinh doanh phải xếp hàng chờ “suất”?!

Để pháp luật không bị tắc nghẽn vì các quy định bên dưới, đã đến lúc, các cơ quan giám sát của Quốc hội nên thường xuyên kiểm tra việc thực thi pháp luật ở bên dưới. Đã đến lúc Quốc hội nên kiểm tra các văn bản luật mà trong đó tạo kẽ hở để bên dưới lạm quyền; hủy bỏ các văn bản cấp dưới trái với quy định cấp trên để pháp luật được rõ ràng, minh bạch, thông suốt và tránh tình trạng lạm quyền!

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục