Tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 ước đạt khoảng 5,8%
Khái quát tình hình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Trong tổng số 18 chỉ tiêu đã có đánh giá sơ bộ, có 14/18 chỉ tiêu đạt và vượt và 4 chỉ tiêu không đạt mục tiêu, gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục gia tăng và đạt mức cao trong hai năm gần cuối nhiệm kỳ trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực gặp nhiều khó khăn. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt dưới 4%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015 (7,65%), trong phạm vi mục tiêu đề ra (dưới 4%). Bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), bình quân năm 2016-2019 là 3,5% GDP, các chỉ tiêu an toàn nợ công giai đoạn 2016-2019, đều đạt và vượt mức của Nghị quyết 07-NQ/TW. Riêng đối với năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bội chi NSNN dự kiến tăng đáng kể so với dự toán bội chi NSNN, dư nợ công đến cuối năm 2020 có thể vượt mức 56-57% GDP.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, ở mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ cvà thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung. Quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, đến năm 2020 ước đạt khoảng 269 tỷ USD, tăng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.
Đáng nói là trong 5 năm qua, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên rõ rệt. Năng suất lao động cải thiện rõ nét, đến năm 2020 dự báo tăng gần 1,5 lần so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước khoảng 45%, vượt mục tiêu đặt ra (30 - 35%).
Trong các lĩnh vực xã hội, giải quyết việc làm được quan tâm và tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi duy trì ở mức thấp và giảm dần. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của cả nước đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 3,75% cuối năm 2019 và dự kiến giảm còn dưới 3% vào cuối năm 2020, bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm trên 1,4%/năm. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình đến năm 2020 ước đạt khoảng 73,7 tuổi, tăng so với năm 2015 (73,3 tuổi). Y tế dự phòng được tăng cường, năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế dự báo đến năm 2020 đạt khoảng 90,7%, tăng mạnh so với năm 2015 (76,5%), vượt mục tiêu đề ra (80%).
Quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Quan hệ với các đối tác tiếp tục được mở rộng, thiết thực và hiệu quả; ký kết và triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do. Vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.
Chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng
Tuy nhiên, Báo cáo cũng nêu rõ, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều mặt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu tính bền vững. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực. Năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chưa thực sự dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có những bứt phá lớn. Mô hình tăng trưởng vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước. Văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường một số mặt còn yếu kém, khắc phục còn chậm. Quản lý, phát triển xã hội còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Một số biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và những vụ việc bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em gây bức xúc xã hội.
Đáng lưu ý, chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn. Quản lý nhà nước về văn hoá, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, thông tin truyền thông nhiều mặt còn bất cập. Tình trạng phá rừng, khai thác cát, đá, sỏi trái phép còn diễn ra ở nhiều địa phương. Chất lượng môi trường ở nhiều nơi xuống cấp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số sông.
Năm “chìa khoá” mở cánh cửa thành công
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được kết quả như thời gian vừa qua, có 5 yếu tố hết sức quan trọng.
Trong đó, quan trọng hàng đầu là bảo đảm chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường hoà bình, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước.
Hai là, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, tăng trưởng và kiên trì ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế... Kịp thời đổi mới tư duy và hành động, thực hiện tốt công tác dự báo, đảm bảo đánh giá đúng, đầy đủ, kịp thời, chủ động thích ứng với những biến động khó lường của thế giới; phát huy tối đa và kết hợp chặt chẽ các nguồn lực, trong đó nội lực là quyết định.
Ba là, thể chế pháp luật được xây dựng đầy đủ, đồng bộ với tư duy mới, phù hợp với thực tiễn và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; cải cách bộ máy chính quyền các cấp, xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động là nền tảng. Coi trọng tính cân đối, hiệu quả trong tất cả các khâu huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Phải coi trọng đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội.
Bốn là, lấy con người là trung tâm phát triển và chia sẻ những thành quả đạt được của quá trình phát triển kinh tế. Phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển và sức mạnh của nhân dân. Thực tế qua thời gian chống dịch bệnh Covid-19, muốn thành công phải khơi dậy được tinh thần đoàn kết, nhân ái của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, cùng chung tay hành động, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân và các giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc.
Cuối cùng, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là nền tảng quan trọng và là động lực chủ yếu trong phát triển đất nước để bắt kịp sự phát triển của khu vực và thế giới, tránh nguy cơ tụt hậu.
Tại phiên thẩm tra Báo cáo kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 do Uỷ ban Kinh tế tổ chức hôm nay, 25-9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, có 5 mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra. Trong đó, đáng lưu ý là quy mô nợ công đã giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55% GDP cuối năm 2019. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công có thể tăng đến 56-57% GDP, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 là không quá 65% GDP. Chỉ tiêu thứ 2 vượt kế hoạch là quy mô nợ chính phủ đã giảm mạnh từ 52,7% năm 2016 xuống 48% GDP đến cuối năm 2019, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu không quá 54%. Chỉ tiêu thứ 3, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm mạnh từ 44% năm 2015 xuống 41,9% năm 2016 và ước năm 2020 còn 33,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dưới 40%. Thứ 4, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 43,16%, vượt xa so với mục tiêu 30%-35% được đề ra trong Nghị quyết. Thứ 5, dư nợ thị trường trái phiếu đến năm 2019 đạt 40,14% vượt xa so với mục tiêu đến năm 2020 đạt 30% GDP. Tuy nhiên, cũng có một số mục tiêu có khả năng không hoàn thành kế hoạch, trong đó đáng lưu ý là tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã từng “về đích sơm” vào năm 2019, nay lại có khả năng không hoàn thành kế hoạch, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 ngay từ đầu năm 2020 làm cho sản xuất bị đình trệ, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ sụt giảm, dẫn đến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, tình trạng nợ xấu có thể gia tăng, thu ngân sách nhà nước giảm, trong khi chi ngân sách nhà nước tăng. Mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp cũng có khả năng không hoàn thành. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động có tại thời điểm 31-12 các năm 2010 là 279.360 doanh nghiệp, 2016 là 505.067 doanh nghiệp, 2017 là 561.064 doanh nghiệp, 2018 là 714.755 doanh nghiệp, 2019 là 758.610 doanh nghiệp, 7 tháng đầu năm 2020, có 75.249 doanh nghiệp thành lập mới. |