Quy mô thị trường Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Tính đến hết tháng 2-2022, vốn đăng ký điều chỉnh dự án của nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam đã tăng thêm 3,59 tỷ USD, tăng 123,8% và đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so cùng kỳ năm trước. Lý giải về vấn đề này, nhiều doanh nghiệp khẳng định, quy mô thị trường của Việt Nam đang hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. 
Sản xuất linh kiện bán dẫn tại Công ty MTEX (Nhật Bản) trong Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất linh kiện bán dẫn tại Công ty MTEX (Nhật Bản) trong Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Doanh nghiệp ngoại được lợi 

Nói về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của SCG, cho biết, tính trong 3 năm gần đây, doanh thu từ hoạt động bán hàng của SCG luôn đạt mốc ấn tượng.

Cụ thể, doanh thu bán hàng năm 2019 đạt 29.516 tỷ đồng (1,271 tỷ USD), con số này đến năm 2020 là 26.574 tỷ đồng (1,144 tỷ USD). Cá biệt, năm 2021 dù tình hình kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng doanh thu bán hàng của SCG tại Việt Nam đã đạt 35.001 tỷ đồng (1,526 tỷ USD), tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải cụ thể, ông Roongrote Rangsiyopash cho biết, doanh thu bán hàng của SCG tại Việt Nam chủ yếu tới từ hoạt động của các doanh nghiệp mới sáp nhập thêm như Công ty TNHH Giấy Kraft Vina (VKPC), Công Ty TNHH Nhựa - Hóa chất TPCVINA, cũng như việc bán hàng xuất khẩu từ Thái Lan và các nước Đông Nam Á sang Việt Nam. Riêng trong năm 2021, tổng tài sản của tập đoàn có sự bổ sung thêm từ hoạt động của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP). Hiện tổng tài sản của SCG tại Việt Nam đạt 146.794 tỷ đồng (6,442 tỷ USD).

Một ghi nhận khác cho thấy, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang “tăng tốc” để mở rộng hoạt động sản xuất cũng như sự hiện diện hàng hóa Nhật Bản tại thị trường Việt Nam. Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cho biết, tại nội địa, quy mô thị trường 100 triệu dân với mức thu nhập đang dần được cải thiện trong những năm gần đây được đánh giá là “hấp dẫn” với ngành phi chế tạo. Hiện Chính phủ Nhật Bản đã xếp Việt Nam là tốp 5 thị trường tiêu thụ hấp dẫn nhất. Do vậy, 1-3 năm tới, những doanh nghiệp thuộc nhóm ngành như bán lẻ, thủy hải sản, nông sản và bất động sản, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… của Nhật Bản sẽ đổ mạnh vào đây. 

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành chế biến, chế tạo không ngừng mở rộng quy mô đầu tư hiện hữu tại Việt Nam để tận dụng lợi thế thuế suất, tăng khả năng xuất khẩu sang thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ghi nhận trong năm 2021 cho thấy, tỷ lệ sử dụng FTA/EPA (Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản) của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 59,7%, tăng 1.3 điểm so với năm trước. Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thường sử dụng FTA/EPA với Nhật Bản và các nước ASEAN, một nửa là sử dụng FTA đối với xuất nhập khẩu vào EU.

Chỉ tính riêng với 1.400 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy, hơn 60% khẳng định lợi nhuận kinh doanh trong năm 2022 được cải thiện và có hơn 55,3% doanh nghiệp cho biết đang có kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới. Tỷ lệ này nếu so với các quốc gia, khu vực khác thì Việt Nam đang là lựa chọn hàng đầu khu vực ASEAN, sau Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan. 

Quy mô thị trường Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại ảnh 1 Doanh nghiệp ngoại đang thu lợi nhuận tốt từ việc tái chế giấy phế thải thành giấy cuộn in bao bì. Ảnh: HOÀNG HÙNG
“Chính phủ sớm giải ngân gói hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp. Đây được xem là huyết mạch, là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp có thể sớm phục hồi sản xuất, giảm nguy cơ phải rời bỏ thị trường hoặc bị “thâu tóm” bởi doanh nghiệp ngoại”, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn Trần Việt Anh khẳng định. 
Doanh nghiệp nội có nguy cơ “teo tóp”

 Ghi nhận mới nhất từ Bộ KH-ĐT cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến doanh nghiệp trong nước quan ngại, việc đầu tư mạnh từ các doanh nghiệp nước ngoài nhưng thông qua hình thức góp vốn và mua cổ phần có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước. Bởi từ năm 2020 đến nay, rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã “đuối sức” vì dịch bệnh. Tình trạng này kéo dài đến đầu năm nay nên rất dễ rơi vào tình trạng doanh nghiệp nước ngoài “thâu tóm” hoặc tạo sức ép cạnh tranh để buộc phải rời khỏi thị trường. 

Trên thực tế, chỉ trong 2 tháng đầu năm đã có gần 45.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Trước đó, năm 2021 cũng ghi nhận đã có hơn 100.000 doanh nghiệp đóng cửa, giải thể. Trước tình trạng này, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, một mặt Chính phủ cải thiện môi trường đầu tư để tăng khả năng thu hút dòng vốn nước ngoài, nhưng mặt khác phải tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp trong nước phục hồi và phát triển. 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Phước Hưng cho biết, những vấn đề nhức nhối mà các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng cần nhanh chóng cải thiện tập trung chủ yếu như: thủ tục hành chính phức tạp; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và vận hành thiếu minh bạch; doanh nghiệp vẫn bị những yêu cầu bất hợp lý từ cơ quan chức năng và chi phí tiền phạt ngoài quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, hệ thống thuế và thủ tục thuế phức tạp dẫn đến các yêu cầu bất hợp lý trong kiểm tra thuế và hải quan cũng như tiền phạt ngoài mức quy định. Đặc biệt, hiện doanh nghiệp rất bức xúc do phải chịu quá nhiều phí không chính thức.

* Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM: Tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất

Hiện nay, doanh nghiệp trong nước đối mặt với nhiều thách thức: giá nguyên, nhiên liệu đã và sẽ còn tăng trong ngắn hạn; ngành dịch vụ, logistics vẫn bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh… Những yếu tố này tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh và tăng trưởng của cộng đồng doanh nghiệp. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM sẽ chủ động tham gia đóng góp ý kiến, tham vấn các chính sách về các luật, nghị định… có liên quan mật thiết đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, tăng cường làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình hoạt động thực tế, đặc biệt là các doanh nghiệp còn vướng mắc kéo dài làm cơ sở để thực hiện đối thoại hiệu quả với lãnh đạo thành phố. 

Hiện nay, sản phẩm Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 50 quốc gia và vùng lãnh thổ được xác định là thị trường xuất khẩu truyền thống, chiến lược. Tại những thị trường này, Việt Nam đang được xếp tốp 10 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Đối với thị trường trong nước, mức thu nhập bình quân đầu người đã tăng nhanh do chính sách tiền lương không ngừng được cải thiện. Do đó, cùng với việc tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ phía cơ quan chức năng, cộng với triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội tận dụng được lợi thế cạnh tranh, tăng tốc mở rộng quy mô sản xuất, chắc chân thị trường nội và vươn xa ở thị trường toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục