Câu chuyện chủ nhật

Quyền tác giả vẫn ở… trên trời

Năm 2024 là vừa tròn 20 năm Việt Nam gia nhập Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học và nghệ thuật. 20 năm là khoảng thời gian khá dài nhưng vấn đề thực thi quyền tác giả tại Việt Nam còn nhiều bất cập.

Quyền tác giả vẫn ở… trên trời

Tuần qua, tác giả Hồ Huy Sơn đã phải lên tiếng khi phát hiện 2 bài thơ của mình là Khu vườn trên caoBố đi công tác in trong ấn phẩm Sách chữ to - Thơ cho bé tập đọc do Công ty TNHH An Phước Books Việt Nam (An Phước Books) liên kết với Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ Việt Nam ấn hành mà không được sự cho phép. Một số tác giả có thơ trong tuyển tập này như Khúc Hồng Thiện, Đinh Hạ cũng không được xin phép và thực hiện quyền tác giả.

Thực tế, đây không phải lần đầu có trường hợp vi phạm bản quyền như vậy. Ngoài ấn phẩm Sách chữ to - Thơ cho bé tập đọc còn nhiều ấn phẩm khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Trong ấn phẩm Thơ cho bé tập nói (Đại Mai Books và NXB Phụ nữ Việt Nam, bản in lần thứ 5-2022) đã sử dụng bài thơ Mẹ và cô của nhà thơ Trần Quốc Toàn và Chú bò soi gương của Hữu Vi khi chưa có sự cho phép của 2 tác giả này. Không dừng lại ở đó, 2 bài thơ này còn được đưa vào cuốn sách khác là Đồng dao - Thơ - Truyện cho bé tập nói (bản in lần thứ 4-2022), cũng do Đại Mai Books liên kết với NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành.

Cuốn sách Thơ cho bé học lễ giáo do tác giả Thanh Hương sưu tầm và biên soạn (Công ty cổ phần Sách và Thiết bị Việt Hà liên kết với NXB Thanh Niên, 2023) còn nghiêm trọng hơn khi toàn bộ các bài thơ đưa vào tuyển tập đã bị xóa hết phần tên tác giả gốc. Trong số đó có rất nhiều bài thơ nổi tiếng như Thương ông của nhà thơ Tú Mỡ và Cô dạy của nhà thơ Phạm Hổ (từng được đưa vào sách giáo khoa) hay các bài Chia bánh của nhà thơ Trương Hữu Lợi, Bé ơi của nhà thơ Phong Thu, Lấy tăm cho bà của nhà thơ Định Hải…

Sau khi có phản ánh của tác giả Hồ Huy Sơn, NXB Phụ nữ Việt Nam đã phát đi thông báo trên fanpage của đơn vị, khẳng định: “NXB Phụ nữ Việt Nam không vi phạm bản quyền đối với tác giả Hồ Huy Sơn. Các vấn đề về bản quyền của cuốn Sách chữ to - Thơ cho bé tập đọc sẽ do An Phước Books có trách nhiệm giải quyết với các bên liên quan (nếu có) và với tác giả Hồ Huy Sơn”.

Dù là sách liên kết nhưng trên các ấn phẩm bao giờ cũng có đầy đủ tên và logo của NXB. Vậy nhưng, phủ nhận trách nhiệm thường là phản ứng đầu tiên của các NXB khi có một vi phạm bản quyền nào đó được “đưa ra ánh sáng” mà không phải là xin lỗi tác giả và cùng tìm hướng giải quyết. Lẽ nào các NXB chỉ thuần “cấp phép nhận tiền”, còn lại là “vô can”?

Thực ra, đối với những vi phạm kiểu này hoàn toàn có thể giải quyết triệt để nếu các NXB chặt chẽ ngay từ đầu. Ngoài “lời hứa” chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền từ đối tác liên kết, NXB cần yêu cầu văn bản thỏa thuận về việc đồng ý cho sử dụng tác phẩm vào sách từ các tác giả. Nếu không có hoặc không đủ thì kiên quyết không cấp giấy phép. Có như vậy, các NXB mới bảo vệ được thương hiệu và uy tín của mình, cũng là góp phần giúp ngành xuất bản trở nên trong sạch, lành mạnh hơn.

Có lẽ, đã đến lúc Cục Xuất bản, In và Phát hành xem xét những biện pháp chế tài thật mạnh để hạn chế tình trạng vi phạm trắng trợn quyền tác giả như trên. Bởi thời gian qua, tình trạng xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản vẫn diễn ra tràn lan và ngày càng nghiêm trọng, không chỉ sách giấy mà cả xuất bản phẩm điện tử. Thực thi quyền tác giả tốt không chỉ giúp chúng ta tạo môi trường xuất bản lành mạnh mà còn góp phần tạo nên uy tín, thương hiệu quốc gia trong mắt đối tác nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục