Quyết duy trì cấm vận vũ khí đối với Iran: Mỹ đơn độc?

Mỹ đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán vũ khí giữa các đối tác nước ngoài với Iran, trước thời điểm lệnh cấm vận vũ khí của Liên hiệp quốc (LHQ) đối với Tehran hết hiệu lực vào ngày 18-10.
Hải quân Iran tập trận ở eo biển Hormuz hôm 15-9. Ảnh: Reuters
Hải quân Iran tập trận ở eo biển Hormuz hôm 15-9. Ảnh: Reuters

Chiến thuật cờ vây

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington sẽ thúc đẩy để LHQ ra quyết định kéo dài vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran.

Trong khi đó, Đại diện đặc biệt của Mỹ phụ trách các vấn đề Iran và Venezuela, ông Elliott Abrams, cho biết, toàn bộ biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran sẽ được khôi phục vào tuần tới, bao gồm cả việc cấm Iran có các hoạt động làm giàu uranium, cấm phát triển và thử tên lửa đạn đạo, trừng phạt các hoạt động chuyển giao công nghệ liên quan đến tên lửa và hạt nhân cho Iran. Ông Elliott Abrams cho biết thêm, chi tiết các biện pháp trừng phạt sẽ được công bố vào ngày 21-9. 

Hợp lực với Bộ Ngoại giao, Cục Điều tra liên bang (FBI) và Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 2 thực thể và 45 cá nhân Iran có liên quan đến một chiến dịch tấn công mạng bằng mã độc nhằm vào các công ty lữ hành quốc tế, một số thể chế và tổ chức nghề nghiệp.

Hai thực thể bị áp đặt trừng phạt đều do Bộ An ninh và Tình báo Iran (MOIS) sở hữu, chỉ đạo, gồm: nhóm Advanced Persistent Threat 39 và Công ty Tin học thông minh Rana.

45 cá nhân bị áp trừng phạt là những người làm việc tại Công ty Rana ở các vị trí quản trị, lập trình viên và các chuyên gia an ninh mạng. Những người này bị Mỹ cáo buộc đã hỗ trợ các hành vi xâm nhập mạng nhằm vào các mục tiêu mà MOIS xác định là mối đe dọa. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ quy trách nhiệm cho MOIS về các vụ tấn công mạng.

Phát súng không đạn

 Trái với những nỗ lực trừng phạt của Mỹ, các nước khác nằm trong Thỏa thuận hạt nhân Iran (gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) cho rằng, Mỹ không thể tự áp đặt lại các lệnh trừng phạt của LHQ.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao tại Hội đồng Bảo an LHQ cho biết, việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mà không được các nước thành viên ủng hộ giống như “phát súng mà không có viên đạn nào bắn ra”.

Các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran sẽ vẫn được gỡ bỏ theo đúng lịch trình và Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ vẫn được duy trì. Tuy nhiên, nguồn tin ngoại giao này cũng cho biết sẽ có một số quốc gia theo chân Mỹ tiếp tục áp đặt trừng phạt. Nga từng cảnh báo những cố gắng của Mỹ nhằm tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran sẽ thất bại, đồng thời nhấn mạnh, Nga sẵn sàng làm trung gian đàm phán giữa Mỹ và Iran. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng khẳng định, mọi lệnh trừng phạt với Iran đều phải phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng Bảo an LHQ.

Trong một diễn biến liên quan, Iran đã kêu gọi Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) của LHQ xem xét những nỗ lực của Tehran để lật ngược các lệnh trừng phạt của Mỹ từ trước đến nay liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran. Gửi lời kêu gọi lên ICJ thông qua hình thức trực tuyến, đại diện của Iran tại LHQ, ông Hamidreza Oloumiyazdi, cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ vi phạm Hiệp ước hữu nghị ký năm 1955 giữa Iran và Mỹ, cũng như coi thường cơ sở của luật pháp quốc tế.

Theo ông, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang gây ra khó khăn và đau khổ cho người dân Iran, đặc biệt là sự sụt giảm kỷ lục trong giao dịch thương mại, giá thực phẩm tăng gần gấp đôi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống y tế nước này.

Theo kế hoạch, ICJ (trụ sở tại Hà Lan) sẽ xem xét các lý lẽ của Iran và Mỹ trước khi quyết định xem cơ quan này có thẩm quyền giải quyết lời kêu gọi của Iran hay không. Iran đã kiện Mỹ lên ICJ hồi năm 2018 khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời tái áp đặt trừng phạt lên quốc gia này.

Tin cùng chuyên mục