Quyết liệt hoàn thành thu phí không dừng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg (Chỉ thị 39) về đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC). Trong đó, chỉ thị nêu rõ, việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC là nhiệm vụ bắt buộc nhằm minh bạch trong hoạt động thu phí, tạo thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội. 

Dù được Chính phủ và người dân đặc biệt quan tâm nhưng việc triển khai ETC khá ì ạch. Tính đến thời điểm này, dự án đã kéo dài 3 năm 7 tháng kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg (QĐ07) về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC. Trong suốt thời gian đó, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp đôn đốc, yêu cầu Bộ GTVT phải hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Chỉ thị 39 vừa được ban hành là mệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ cho dự án này. Hiện những vướng mắc trong thỏa thuận ký phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư, việc liên thông tài khoản thanh toán phí và tài khoản ngân hàng, việc thu xếp vốn đầu tư thiết bị tại trạm trên các dự án cao tốc, việc thành lập doanh nghiệp dự án giai đoạn 2… đều đã có hướng giải quyết. Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan cũng đã được xác định rõ. Vấn đề còn lại là thực hiện như thế nào để đáp ứng tiến độ, hoàn thành trước 31-12-2020. 

Mệnh lệnh của Thủ tướng đối với dự án này trước hết dành cho Bộ GTVT. Theo đó, Bộ GTVT phải tập trung, quyết liệt chỉ đạo các dự án ETC của cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 để đảm bảo tiến độ, chất lượng. Bộ GTVT cũng phải chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức phân làn dành riêng cho thu phí ETC; có phương án đầu tư hệ thống thu phí ETC tại các dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý… Bộ GTVT có quyền quyết định tạm dừng hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án không chuyển sang thu phí ETC theo đúng quy định của pháp luật. 

Với Bộ Công an, Thủ tướng yêu cầu phải chủ trì triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong quá trình lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí ETC; xử lý nghiêm lái xe cố tình vi phạm, gây ùn tắc giao thông và mất an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các trạm thu phí, đặc biệt đối với các trạm đã lắp đặt, vận hành hệ thống ETC. Với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo hướng dẫn áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản thu phí của chủ phương tiện đảm bảo liên thông, thuận lợi, an toàn…

Đặc biệt, trong Chỉ thị 39, Thủ tướng nhấn mạnh việc phải tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng hình thức thu phí ETC. Đây là nhiệm vụ chung của các bộ, ngành, địa phương bởi người dân phải hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình thì việc thực hiện mới hiệu quả. Người dân phải được tạo điều kiện thuận lợi tối đa khi tham gia hình thức thu phí ETC, được gắn thẻ đầu cuối một cách nhanh chóng, thuận tiện, dễ sử dụng tại lần kiểm định gần nhất hoặc ngay khi đi qua trạm thu phí đã vận hành hệ thống thu phí ETC. Bên cạnh đó, các thông tin cá nhân của chủ phương tiện phải được bảo mật theo quy định. 

Trong bối cảnh các vấn đề của các dự án BOT vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, người dân không đồng tình khiến nhiều trạm thu phí BOT chưa thể tiến hành thu phí, tăng phí theo hợp đồng; nhiều nhà đầu tư BOT kêu cứu vì doanh thu sụt giảm; nhiều doanh nghiệp vận tải kêu khó vì chi phí logistic tăng... thì việc đẩy nhanh dự án thu phí ETC càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Chỉ có thu phí không dừng ETC thì mới có sự minh bạch, chấm dứt gian lận trong thu phí. Tính toán chính xác doanh thu, thời gian hoàn vốn, thời điểm dừng thu của các trạm thu phí là điều đã phải chờ đợi quá lâu.

Tin cùng chuyên mục