Theo đó, đề ra mục tiêu đạt tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045; xem tiết kiệm năng lượng là quốc sách hàng đầu nhằm đảm bảo xuyên suốt cho nguồn cung điện.
Trên thực tế, Chương trình quốc gia sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả thời gian qua đã được các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân thực hiện rất tích cực, đem lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, chương trình đã giảm lần lượt 3,4% và 5,6% tổng năng lượng tiêu thụ cho giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015. Tuy tiết kiệm năng lượng đã đạt được kết quả cao, nhưng cũng còn tồn tại nhiều vấn đề và đang đứng trước các khó khăn. Trong đó, tiêu hao năng lượng/đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành còn cao, đặc biệt là ngành công nghiệp cao hơn 1,3-1,6 lần so với các quốc gia trong khu vực. Giai đoạn 2016-2019, chương trình gián đoạn dẫn đến các bộ ngành, địa phương không còn nguồn lực, giảm sự quan tâm đến tiết kiệm năng lượng.
Nhận diện rõ những bất cập thời gian qua, trong nội dung NQ 55 đã chỉ đạo các bộ ngành sớm rà soát, hoàn thiện Chương trình quốc gia về sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Cụ thể, triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng hiệu quả năng lượng đối với những lĩnh vực, ngành và sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng cao. Có chính sách khuyến khích các hộ tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, nhất là trong công nghiệp và giao thông; thúc đẩy phát triển các phương tiện giao thông sử dụng điện năng phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã điều hành họp Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chương trình quốc gia về sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng và tổ chức thực hiện công tác tiết kiệm năng lượng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương với trách nhiệm là cơ quan chủ trì, đồng thời là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, đẩy mạnh các hoạt động hoàn thiện khung kế hoạch, hệ thống pháp lý, phối hợp với các bộ ngành, địa phương từng bước đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng trong các ngành, lĩnh vực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững. Có thể nói, đây là những quyết sách rất kịp thời vừa đảm bảo an ninh năng lượng vừa hướng tới sự phát triển bền vững chung cho đất nước.