Quyết tâm vượt dự toán

Những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến nền kinh tế trở nên rõ nét hơn qua các số liệu do Bộ Tài chính công bố tại hội nghị ngành diễn ra ngày 7-7. Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm ước đạt 44,2% dự toán - giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là năm có mức thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013.

Trong đó, thu nội địa đạt 44,1% dự toán, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2019; thu dầu thô đạt 59,7% dự toán, giảm 28,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 43,1% dự toán, giảm 22,3%. Với thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 37,1% dự toán, giảm 21,5%; thu từ khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 41,9% dự toán, giảm 6,3%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 37,1% dự toán, giảm 15%. 

Cũng theo Bộ Tài chính, cả nước có 34/63 địa phương thu 6 tháng đạt trên 50% dự toán; nếu không tính thu tiền sử dụng đất, xổ số thì chỉ có 14/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán. Trong 16 địa phương trọng điểm thu có điều tiết về trung ương, chỉ có 5 địa phương đạt tiến độ thu nội địa trên 50% (Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu); 11 địa phương còn lại đạt dưới 50%, trong đó 8 địa phương đạt dưới 40% dự toán.

Những số liệu trên phản ánh thực trạng nền kinh tế hiện nay và cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp thực sự gặp nhiều khó khăn. Với một nền kinh tế hội nhập sâu, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế, nên dù đã sớm kiểm soát được dịch ở trong nước nhưng tác động của dịch đến nền kinh tế vẫn rất nặng nề. Sản xuất kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đều ở mức thấp, giá dầu thô giảm sâu. Bên cạnh đó, việc triển khai các giải pháp tài khóa nhằm phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã tác động lớn đến cân đối thu, chi NSNN.

Nhìn nhận dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến ngành dịch vụ ăn uống, lữ hành… khi đóng cửa với bên ngoài, nhưng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt nhất dự toán; thực hiện hiệu quả các tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường các giải pháp quản lý, bồi dưỡng nguồn thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời…

Để phát huy vai trò huyết mạch của ngành tài chính, tạo động lực thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tài chính cần có sự đổi mới về tư duy phát triển và hoạch định chính sách; cần có quan điểm chủ động, tích cực hơn về vai trò chính sách tài khóa trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng; nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đề xuất gói kích thích tài khóa, các giải pháp tiếp tục giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Về con số 700.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD) vốn kế hoạch cần giải ngân trong năm 2020, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cùng Bộ KH-ĐT rà soát, khẩn trương báo cáo Chính phủ triển khai gấp giải ngân vốn đầu tư công.

Dịch Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, nhưng diễn biến dịch trong khu vực và trên thế giới còn rất phức tạp, khó lường. Tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam ngày càng nghiêm trọng. Việc Việt Nam là một trong những nước đầu tiên sớm kiểm soát được dịch đã tạo điều kiện đưa hoạt động của nhiều doanh nghiệp và cuộc sống của người dân dần trở lại bình thường, giảm thiểu tác động bất lợi về kinh tế - tài chính và trật tự an toàn xã hội; mở ra cơ hội để thu hút, đón các dòng vốn đầu tư trong khu vực và trên thế giới. Do đó, bên cạnh việc điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm thì rõ ràng, trách nhiệm của ngành tài chính rất quan trọng trong việc tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; thu hút và chủ động tiếp nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài, phục hồi tăng trưởng kinh tế... 

Khó khăn đã rõ và các giải pháp cũng đã được đưa ra. Vấn đề còn lại là sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng trong thực hiện, như lời Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị, cần phải có quyết tâm vượt dự toán, tiến lên, không bàn lùi và tinh thần tiến công cách mạng là điều rất quan trọng trong lúc khó khăn này.

Tin cùng chuyên mục