(SGGP).- Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) chính thức ra mắt theo giấy phép số 12/BTP/GP ngày 14-3-2016 của Bộ Tư pháp, có trụ sở đặt tại 163/18 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh, TPHCM. VLCAC ra mắt với 31 trọng tài viên.
Đội ngũ trọng tài viên của VLCAC là các luật gia, luật sư, các chuyên gia kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư, các giáo sư, tiến sĩ… có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm và uy tín cao trong lĩnh vực giải quyết các tranh chấp. Đây là tổ chức phi chính phủ, hoạt động độc lập và không vì mục đích lợi nhuận. Mục tiêu của VLCAC là xây dựng và thực hiện một cơ chế giải quyết tranh chấp thân thiện, tin cậy, khách quan, công bằng, thuận lợi và hiệu quả nhằm tôn trọng quyền lợi hợp pháp của các bên tranh chấp. VLCAC tôn trọng thỏa thuận và quyền tự do lựa chọn của các bên tranh chấp về trọng tài viên, ngôn ngữ, luật áp dụng, địa điểm và thời gian giải quyết tranh chấp; bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt VLCAC, bà Lê Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, chỉ đạo: Trung tâm này là động lực để giới luật gia tham gia sâu, rộng vào lĩnh vực pháp luật. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hoạt động, trung tâm trọng tài phải tổ chức nhiều chương trình đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng giải quyết tranh chấp cho trọng tài viên trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại quốc tế, tài chính và ngân hàng. Cần có chính sách thu hút đội ngũ trọng tài viên và các chuyên gia, luật sư giỏi, thành thạo ngoại ngữ để tham gia giải quyết tranh chấp, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tập trung nghiên cứu quy định pháp luật các quốc gia trên thế giới về việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài, qua đó đóng góp với các cơ quan lập pháp để hoàn thành hoàn chỉnh hệ thống pháp luật trọng tài thương mại của Việt Nam. Bởi năm 2016, Việt Nam đã ký kết rất nhiều hiệp định song phương và đa phương với thế giới, mở ra cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế và kim ngạch xuất khẩu nhưng đồng thời cũng đặt ra cho Việt Nam một loạt thách thức không nhỏ bao gồm thách thức trong việc giải quyết tranh chấp trọng tài thương mại giữa các bên. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lê Thị Bình Minh cũng đánh giá cao việc thành lập Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, vì nó không những tạo điều kiện thuận lợi hơn trong giải quyết tranh chấp thương mại mà còn góp phần giảm tải xét xử ở cơ quan tòa án, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc giải quyết tranh chấp ngoài tòa án theo tinh thần của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
THU HƯƠNG - TUYẾT NHUNG