Cho thuê lại lao động sẽ được coi là hợp pháp khi Bộ luật Lao động sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1-5-2013. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện…
Có luật vẫn rắc rối
Tại khoản 1 Điều 53 Bộ luật Lao động sửa đổi 2012, nêu rõ: cho thuê lại lao động là việc người lao động (NLĐ) đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp (DN) được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với DN cho thuê lại lao động.
Tuy nhiên, để xác định chủ thể đơn vị cho thuê lại lao động hay đơn vị thuê lại lao động mới thực sự là người sử dụng lao động thì vẫn đang là câu hỏi. Việc xác định người sử dụng lao động rất quan trọng, vì quy định tại Điều 6 Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động có quyền “bố trí, điều hành lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh”.
Thế nhưng, trong trường hợp này, người sử dụng lao động thực sự chẳng có quyền gì, mà cái quyền ấy lại thuộc về bên thuê lại lao động. Đó là chưa nói đến quy định tại Điều 5 Bộ luật Lao động 2012 xác định rõ quyền của người lao động là tự do lựa chọn việc làm nhưng lúc này bên thuê lại lao động mới có quyền bố trí công việc theo ý của họ, nên đương nhiên, NLĐ bị mất quyền này.
Mặt khác, tại nơi làm việc, NLĐ cũng không có quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn, vì công đoàn cơ sở ở đây không thể đại diện cho họ về quyền lợi và nghĩa vụ. Ngược lại, công đoàn ở đơn vị thuê lại lao động cũng không có quyền tập hợp họ vào tổ chức công đoàn. NLĐ cũng không thể thực hiện được quyền đình công hợp pháp, bởi công đoàn của đơn vị thuê lại lao động không thể đại diện thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể với bên cho thuê lại lao động lẫn bên thuê lại lao động.
Băn khoăn
Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết khoản 3 Điều 54 của Bộ luật Lao động về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động. DN được hoạt động cho thuê lại lao động khi có đủ các điều kiện về vốn pháp định; địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện; điều kiện, tiêu chuẩn đối với người đứng đầu DN cho thuê; thủ tục, thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động. Đặc biệt, dự thảo quy định đơn vị cho thuê lại lao động phải ký quỹ 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên Suleco cho rằng, hoạt động cho thuê lại lao động có lợi cho các DN và NLĐ. Hiện Suleco đang quản lý khoảng 1.500 lao động và cho các DN, tổ chức thuê lại. Thực tiến cho thấy nhiều DN hiện nay đang hoạt động rất tốt, không có tranh chấp. Ông Thạnh kiến nghị cần quy định ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động nên quy định có thời hạn cho thuê không quá 3 lần, nếu NLĐ tiếp tục làm việc thì phải ký hợp đồng cho thuê lao động không xác định thời hạn.
Ngoài ra, việc quy định phí dịch vụ cho thuê lại lao động là bao nhiêu cũng cần phải quy định cụ thể; người lao động có được tham gia tổ chức công đoàn hay không? Nếu người lao động bị tai nạn lao động chết thì phía cho thuê lại lao động phải chịu trách nhiệm hay phía thuê lao động chịu trách nhiệm? Vế vấn đề ký quỹ, ông Thạnh cũng đề nghị ban soạn thảo cần đưa ra khung quy định về quy mô của DN và tính trên tỷ lệ đó để quy định.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho rằng, cần phải quy định mức sàn phí cho thuê lại lao động. Theo ông Nguyễn Văn Xê, nên việc quy định mức phí để cạnh tranh giữa các DN. Ngoài ra, về vấn đề người lao động bị tai nạn lao động cũng cần phải quy định cụ thể ai chịu trách nhiệm.
Theo chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dự thảo nghị định về cho thuê lại lao động chưa quy định về trách nhiệm trong quan hệ tiền lương, an toàn lao động và việc ký quỹ giữa các bên. Nếu DN bỏ trốn, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm trả lương cho NLĐ? Dự thảo cũng chưa nêu rõ về trách nhiệm của DN về tiền lương, an toàn lao động…
Hồ Thu