Biết sai nhưng vẫn xả rác
Tại cổng Viện Tim TPHCM, công nhân vệ sinh vừa quét phía trước, phía sau một người đàn ông ngồi xổm trên vỉa hè ăn sáng, ăn xong bước ra đường quăng hộp xốp và đôi đũa tre xuống miệng cống thoát nước gần đó, còn bịch ni lông vứt bay lất phất trên đường. Nghe có người nhắc sao không bỏ rác vào thùng rác mà vứt ra đường, người này phân trần: “Cũng biết vứt ra đó là bậy, nhưng vì vội quá”.
Một thanh niên dừng đèn đỏ tranh thủ vo gọn bịch ni lông và miếng giấy gói bánh mì thả xuống miệng cống. Thấy vậy, anh xe ôm đang dựng xe chờ khách ở chân cầu Ông Lãnh trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1) lên tiếng nhắc nhở, nhưng anh thanh niên phớt lờ phóng xe vọt đi. Anh xe ôm chia sẻ: “Mình thấy chướng mắt thì nhắc, chứ người ta vẫn cứ xả rác, ngăn không được. Hàng ngày ở khu vực này có công nhân vệ sinh dọn dẹp, nhưng vì sáng chiều đều có người buôn bán trên vỉa hè nên rác vẫn xả ra đầy đường, nhiều rác tuôn xuống cống thoát nước khi trời mưa”.
Đường Võ Văn Kiệt có cống thoát nước dạng rãnh biên (rãnh dọc) nằm ở 2 bên đường, mặt cống được che chắn bởi các tấm đan bê tông rời bó vỉa. Những tưởng miệng cống dạng này sẽ ngăn được rác chui xuống cống, nhưng hàng ngày đường cống vẫn phải hứng nhiều rác thải, nhất là những nơi tấm đan bị nứt, bể.
Ông Phan Bốn (ngụ quận 3) kể: “Khi đạp xe đi đường, tôi thường quan sát đường phố, thấy cứ 100 miệng cống thì có tới 90 miệng cống chứa rác, bất kể trung tâm hay vùng ven. Gần đây báo chí nói nhiều về nạn xả rác nơi công cộng, tưởng đâu người ta biết xấu hổ, sẽ hạn chế xả rác bữa bãi, ai dè vẫn chưa đủ thấm”.
Ông Tư Thuần, chạy xe ôm tại cổng Bệnh viện Từ Dũ, cho biết: “Lao công quét xong chừng một tiếng sau lại ngập rác, người ta mua đồ ăn trên lề đường rồi quăng rác xuống đó luôn”.
Người đi đường sử dụng đồ ăn, đồ uống xong quăng rác bao bì xuống đường, người bán hàng rong, buôn bán lề đường cũng “tiện tay” đẩy rác từ vỉa hè ra ngoài đường, các quán ăn khi quét rác cũng quét thẳng ra ngoài vỉa hè và tấp vào miệng cống. Còn người dân thì đem rác sinh hoạt trong nhà ra bỏ ở miệng cống. Mỗi ngày miệng cống phải hứng chịu ngần ấy rác thải. Cả ngàn người xả mới có một người dọn thì sức đâu chịu nổi.
Ai chịu trách nhiệm?
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày TPHCM thải 2.300 tấn rác ra nơi công cộng. Lượng rác ấy đồng nghĩa với hàng trăm công nhân phải cật lực làm việc trong môi trường cực kỳ độc hại và mất vệ sinh. Thế nhưng, người dân cứ vẫn xả rác ra đường, còn các cơ quan chức năng thì… vẫn đang bàn.
Nghị định 155/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-2-2017, quy định phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị, hệ thống thoát nước thải mặt trong khu vực đô thị. Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi này là công an, chủ tịch UBND cấp xã, chủ tịch UBND cấp huyện. Quy định là vậy nhưng hiện nay hầu như các phường, quận đang bỏ ngỏ công tác xử lý hành vi xả rác trên vỉa hè, đường phố, hoặc hệ thống thoát nước thải đô thị, hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị. Khi được hỏi, các địa phương đều than vãn về nhân sự, về cái khó là không bắt tận tay người vi phạm để xử lý việc xả rác.
Trong khi đó, người dân lại than về việc thiếu thùng rác. Ở khu vực cổng Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ từ đường Cống Quỳnh đến cổng phía đường Nguyễn Thị Minh Khai dài hàng trăm mét, nhưng không có một thùng rác nào. Khu vực này luôn tập trung đông người bệnh và người nhà bệnh nhân, kéo theo đó là lượng hàng rong rất lớn buôn bán tại đây. Vì vậy mà chỉ 1 - 2 tiếng sau khi dọn dẹp thì vỉa hè, lòng đường ở khu vực này đã đầy rác.