Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã giáng đòn sấm sét vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của địch, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng. Đã có nhiều ca khúc xuất hiện như những hồi kèn xung trận còn vọng mãi đến hôm nay.
Ngay sau khi được tin cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 bắt đầu nổ ra tại miền Nam, cùng với các nhạc sĩ khác, nhạc sĩ Hồ Bắc sáng tác ngay ca khúc Sài Gòn quật khởi và hoàn thành ngay trong đêm đầu tiên: Rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn/ Khi con chim én báo mùa xuân về/ Tin vui chiến thắng bay từ quê nhà/ Sài Gòn ơi, ta đang bước trên đường chiến thắng…
Sáng hôm sau, Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam đã kịp thời dàn dựng đưa lên sóng phát thanh truyền khắp đất nước ca khúc này qua giọng hát của các ca sĩ Tuyết Nhung, Kim Oanh và hợp xướng đài. Giai điệu bài hát theo nhịp hành khúc hào hùng thể hiện khí thế tiến công và nổi dậy như vũ bão của quân dân miền Nam, nhất là của quân dân Sài Gòn nhằm vào hang ổ của Mỹ ngụy. Ngay sau đó, bài Sài Gòn quật khởi nhanh chóng phổ biến khắp mọi miền đất nước.
Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân ít lâu, Đoàn Ca múa Trung ương do nhà thơ Huy Cận, khi ấy là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, làm trưởng đoàn, đi biểu diễn ở nhiều nước như Pháp, Ý, Algérie, Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Mông Cổ... Sài Gòn quật khởi với phần trình bày của tốp ca nữ là một trong những tiết mục được khán giả nước ngoài nhiệt liệt tán thưởng, nhiều lần vỗ tay yêu cầu hát lại.
Sau khi nghe tin cả miền Nam rung chuyển trong Tết Mậu Thân 1968, nhạc sĩ Trọng Bằng xúc động sáng tác ngay ca khúc Bão nổi lên rồi! và hoàn thành chỉ sau một tiếng đồng hồ. Buổi chiều cùng ngày, ông phối khí và trực tiếp chỉ huy dàn hợp xướng thanh niên trình bày bài này trong phòng thu âm của đài. Từ 7 giờ tối hôm đó, trên làn sóng của đài, bài Bão nổi lên rồi! liên tục vang lên. Năm 1981, trong một lần sang Pháp cùng với nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, nhạc sĩ Trọng Bằng có dịp gặp nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo ở Paris và được anh cho biết: Thời kỳ Tết Mậu Thân 1968, anh đã ký âm bài Bão nổi lên rồi! qua Đài Tiếng nói Việt Nam và sau đó dàn dựng, chỉ huy hợp xướng hơn 200 Việt kiều biểu diễn nhiều lần tại Pháp.
Tham gia cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 tại chiến trường Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cùng một số anh chị em ở Đoàn văn công Giải phóng đến phục vụ ở xã An Lạc (nay thuộc huyện Bình Chánh), gần Bến xe miền Tây. Tận mắt chứng kiến nhiều gương dũng cảm tải đạn, cứu thương, dẫn đường cho Quân giải phóng của các cô gái Sài Gòn, xúc động trước hình ảnh anh hùng, hy sinh của các cô, Phạm Minh Tuấn sáng tác ca khúc Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn. Lê Anh Xuân tham gia viết ca từ, chưa hoàn thành thì nhà thơ hy sinh ở Long An, Phạm Minh Tuấn phải viết tiếp phần ca từ còn lại. Trong những sáng tác của các nhạc sĩ từ miền Nam gửi ra miền Bắc hồi ấy, Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn được quần chúng đặc biệt yêu thích vì nội dung phản ánh sinh động, nét nhạc tươi trẻ, lạc quan.
Tiếng súng của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 đã tạo cảm xúc cho nhiều sáng tác ra đời, riêng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, người con Nam bộ đang ở miền Bắc, chưa có sáng tác gì. Anh rất bức xúc, trăn trở, nhất là khi bị bà con trong Hội đồng hương Sài Gòn - Chợ Lớn chất vấn. Ra sức “đi cày”, cuối cùng anh cũng cho ra đời bài Đội nữ tải đạn Sài Gòn với âm hưởng dân ca Nam bộ, khi đem đến Đài Tiếng nói Việt Nam được góp ý đổi thành Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. Nửa năm sau Tết Mậu Thân, tức cuối tháng 8-1968, bài hát được thu thanh, sau đó được phát lên sóng và nhanh chóng được thính giả cả nước hưởng ứng.
Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC