Rạng danh vùng đất học

Hào hùng truyền thống lịch sử
Rạng danh vùng đất học

Năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt, nhưng với quyết tâm “chống giặc đói, giặc dốt” và chủ trương đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ để xây dựng đất nước sau này, Trường Trung học cơ sở Hải Phương, tiền thân là Trường cấp 2 Quốc lập Hải Hậu đã được thành lập. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy trò Trường THCS Hải Phương trở thành điểm sáng nổi bật nhất của ngành giáo dục Nam Định, làm vẻ vang vùng đất học Hải Hậu.

Trường THCS Hải Phương tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất.

Trường THCS Hải Phương tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất.

Hào hùng truyền thống lịch sử

Hải Phương ngày cuối thu, những ngôi làng yên bình rợp bóng cây, trên con đường làng trải nhựa phẳng lì, lũ trẻ nô đùa, tung tăng cắp sách tới trường. Trường THCS Hải Phương - ngôi trường có bề dày lịch sử nhất ở vùng quê Hải Hậu rực rỡ trong nắng thu, một cơ ngơi bề thế, khang trang chẳng kém gì nhiều ngôi trường ở các thành phố lớn.

Cô Nguyễn Thị Lan, Bí thư chi bộ, Hiệu trường nhà trường, tự hào cho biết: Nhà trường cùng với chính quyền đang tích cực chuẩn bị lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường và đón nhận cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ. “Đây không chỉ là ngày hội, niềm tự hào lớn của nhà trường mà còn của cả nhân dân xã Hải Phương, khẳng định sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của vùng quê hiếu học Hải Hậu.” - cô Lan chia sẻ.

Ngược dòng thời gian, vào năm 1951, thời điểm đó quê hương Hải Phương là vùng bị địch chiếm đóng, với giăng giăng đồn bốt của địch được lập để vây ráp và đàn áp cách mạng nhưng vẫn không thể ngăn cản được sự ra đời của Trường cấp 2 Quốc lập Hải Hậu, tiền thân của Trường THCS Hải Phương ngày nay. Nhiều người lớn tuổi ở Hải Phương vẫn còn nhớ như in, trong những năm tháng địch chiếm đóng đó, nhà trường THCS dù phải liên tục sơ tán về học tại nhiều xã ở Hải Hậu như Hải Tiến, Hải Cường, Hải Long nhưng lúc nào ngôi trường cũng đầy ắp học trò.

Quê hương được giải phóng, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, năm 1956, trường lại trở về xã Hải Phương. Tại đây, nhà trường đã thu hút rất đông học sinh trong toàn huyện Hải Hậu và học sinh của các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Nghĩa Hưng cùng những người con của quê hương miền Nam tập kết ra Bắc đến học tập.

Lúc bấy giờ, trong muôn vàn khó khăn của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nhưng thầy và trò nhà trường vẫn vừa giảng dạy, học tập vừa tập trung ổn định trường lớp, vừa tham gia kháng chiến và vận động toàn dân tham gia giáo dục...

Năm 1965, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan rộng ra miền Bắc, các lớp học của trường được sơ tán học tại nhà dân, ở đình làng, trong nhà thờ. Không e sợ trước mưa bom, bão đạn của quân giặc, mặc cho tiếng gầm rú của máy bay Mỹ, các thầy cô và học sinh nhà trường vẫn bám trụ, vừa giảng dạy tốt vừa tham gia kháng chiến, đồng thời không ngừng tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn. Tự hào hơn khi trong giai đoạn này, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thầy và trò nhà trường hăng hái xung phong nhập ngũ để chiến đấu giải phóng đất nước, trong đó tiêu biểu có thầy hiệu trưởng Trần Hữu Độ, thầy giáo Phạm Ngọc Mai, Nguyễn Đức Dương cùng 1.556 học sinh xếp bút nghiên lên đường tham gia kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống đế quốc Mỹ của dân tộc, thầy Trần Hữu Độ cùng 136 học sinh của trường đã anh dũng hy sinh, tô thắm thêm truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc.

Sau cuộc tổng tiến công đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước được hoàn toàn giải phóng. Cùng với sự chuyển mình của đất nước sau chiến tranh, nhà trường càng nỗ lực hơn trong việc đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, vận động toàn dân tham gia giáo dục. Đặc biệt, nhà trường đã triển khai thành công cải cách giáo dục và thay sách các khối lớp.

Không chỉ đạt thành tích cao trong giáo dục văn hóa, nhà trường còn đạt những thành tích rất đáng tự hào trong giáo dục thể chất, thẩm mỹ, chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ. Đặc biệt trong giai đoạn này, nhà trường là đơn vị dẫn đầu trong huyện về việc đưa lao động hướng nghiệp dạy nghề vào trong trường học. Mô hình V-A-C (vườn, ao, chuồng) của Trường Hải Phương sau đó đã được triển khai áp dụng trong toàn huyện.

Nâng cao văn hóa, giáo dục toàn diện

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển vượt bậc, trong bất cứ hoàn cảnh nào, từ những ngày đất nước còn chiến tranh cho tới khi đất nước hòa bình rồi đến thời kỳ đổi mới, xây dựng kinh tế thị trường, Trường THCS Hải Phương đều nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục - đào tạo.

Trong phòng truyền thống của nhà trường lấp lánh 4 Huân chương Lao động, rất nhiều bằng khen, giấy khen của Đảng, Nhà nước, bộ ngành trao tặng. Đặc biệt hơn nữa, liên tục từ năm 1961 đến nay, nhà trường luôn được công nhận là “Trường tiên tiến xuất sắc”, “Tập thể lao động xuất sắc” và là lá cờ đầu bậc giáo dục THCS của vùng quê gạo tám Hải Hậu.

Từ mái trường thân yêu Hải Phương, rất nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội, những nhà khoa học, doanh nhân thành đạt, nhà quản lý giáo dục... Quả thật, đây là niềm tự hào và vẻ vang của người dân Hải Phương khi chỉ là một xã thuần nông nhưng cả xã Hải Phương lại có tới trên 800 người, chiếm trên 10% dân số xã có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó có 1 giáo sư, 7 tiến sĩ. Đặc biệt, mỗi năm ở Hải Phương có 40 - 60 học sinh thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học trên cả nước. Những con số đó là minh chứng hùng hồn, sáng ngời cho truyền thống hiếu học, dạy tốt, học tốt của các cấp học ở Hải Phương.

Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan tâm sự, thành công là vậy nhưng không được tự hài lòng với những gì mình đã đạt được, hơn nữa chặng đường trước mắt vẫn còn rất nhiều thách thức. Vì thế dù khó khăn đến đâu, Trường THCS Hải Phương cũng quyết tâm thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu, tiếp tục thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Đồng thời, trong chiến lược phát triển đến năm 2015, nhà trường sẽ từng bước xây dựng và phát triển mô hình hệ thống cơ sở giáo dục - đào tạo chất lượng cao, theo hướng tích cực đổi mới phương pháp dạy - học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm qua, chắc chắn Trường THCS Hải Phương sẽ tiếp tục gặt hái được những “mùa vàng” bội thu trong sự nghiệp trồng người, để mãi là điểm sáng giáo dục của huyện Hải Hậu và tỉnh Nam Định, xứng đáng là cái nôi của một vùng đất học.

Nguyễn Quốc

Tin cùng chuyên mục