Rạp hát - “thánh đường” của nghệ thuật, là nơi để nghệ sĩ rèn nghề, phát huy tài năng, phục vụ khán giả, góp phần làm tươi đẹp đời sống văn hóa của nhiều thế hệ công chúng. Thế nhưng, đến nay hầu hết rạp hát, sân khấu đều xuống cấp trầm trọng, nhiều nơi còn bị chuyển đổi công năng, có nơi đã mất dấu.
Thiếu rạp hát đúng chuẩn
Gần 40 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, TPHCM được dựng xây, đổi mới, tiến bộ, hiện đại. Ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục… đều được nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng với nhiều công trình khang trang, thể hiện bộ mặt, vị trí các ngành nghề trên đường phát triển.
Riêng với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, dù hoạt động của các loại hình nghệ thuật rất sôi động, đa dạng, phong phú, hiệu quả, góp phần không nhỏ làm tươi đẹp đời sống văn hóa tinh thần của người dân TP, nhưng đến nay, TPHCM vẫn chưa có được một nhà hát, rạp hát, sân khấu nào đúng chuẩn, đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất - điều kiện hoạt động và phát triển cho các loại hình nghệ thuật.
Trong khi đó, tại vùng đất Sài Gòn - TPHCM này, từng có một thời sân khấu cải lương rất được ưa chuộng. Thời gian ấy, không hiếm những rạp chiếu bóng còn được sửa lại thành rạp hát cải lương để đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của loại hình nghệ thuật này.
Đến nay, có những rạp hát còn nhưng ngưng hoạt động, nhiều rạp hát chuyển công năng phục vụ và cũng có không ít rạp hát đã mất hẳn dấu tích, như các rạp: Norodom (nay là Công ty Xổ số kiến thiết TP, số 23 Lê Duẩn, quận 1), Aristo (nay là khách sạn New World), Olympic (Trung tâm Văn hóa TPHCM), Quốc Thanh, Thanh Bình, Hưng Đạo, Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân, trụ sở Nhà hát Kịch TPHCM), Khải Hoàn, Thành Xương, Hào Huê (rạp Nhân Dân), Lux (sau đổi thành rạp Lao Động B, rồi trở thành vũ trường Monaco), Thủ Đô, Palikao ở Chợ Lớn, Huỳnh Long nằm trong chợ Bà Chiểu, Cao Đồng Hưng, Văn Cầm, Lạc Xuân, Cây Gõ…
Hiện nay, một số nhà hát, rạp hát đang hoạt động chỉ còn Nhà hát Thành phố (có từ trước năm 1975), nhà hát Hòa Bình, nhà hát Bến Thành (TTVH quận 1), rạp Đại Đồng (nay là sân khấu kịch Sài Gòn)… Bên cạnh đó, cũng có những rạp hát: Thủ Đô, Kim Châu, Long Phụng, Nhân Dân… đang xuống cấp trầm trọng.
Trong khi hiện nay, phần lớn các sân khấu kịch ở TPHCM được các ông, bà “bầu” thuê mướn lại mặt bằng của các TTVH quận, nhà thiếu nhi để biểu diễn, như: sân khấu kịch Hồng Vân (TTVH quận Phú Nhuận), sân khấu Sao Minh Béo (TTVH quận 11), sân khấu kịch Nụ Cười Mới (TTVH quận 10)… Chưa kể, có những sân khấu, cơ sở vật chất đã “già cỗi” sau nhiều năm đưa vào sử dụng, như: Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần nằm tuốt trên lầu 3, lại không có thang máy để phục vụ khán giả tiện bề đi lại.
Bên cạnh đó, còn có nỗi lo thấp thỏm đè nặng lên vai người làm nghệ thuật khi nay mai nếu địa điểm thuê mướn bị lấy lại, không cho thuê tiếp, chẳng biết sân khấu sẽ ở đâu như tâm trạng của “bà bầu” Ái Như - sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.
Rạp hát - động lực để phát triển
Trước thực trạng của rạp hát hiện nay, NSND Hồng Vân trăn trở: “Các sân khấu kịch đều phải thuê mướn điểm diễn, cơ sở vật chất đã quá cũ kỹ. Như TTVH quận Phú Nhuận, sau 15 năm sử dụng đã rệu rã, nhưng chưa được một lần đại tu vì không có kinh phí. Ngay với Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần (tiền thân là CLB Sân khấu thể nghiệm) - mái nhà chung của anh em nghệ sĩ, nơi đào tạo nhiều thế hệ diễn viên trẻ cho sân khấu TP, mô hình xã hội hóa hoạt động sân khấu tiêu biểu, cũng giậm chân tại chỗ.
Ở thời điểm này, phải leo lên tận 3 lầu, rồi leo lên các ghế ngồi cao để xem kịch, khán giả có chung thủy mấy cũng cảm thấy mỏi mệt. Cho nên, tôi nghĩ cấp thiết phải có kế hoạch thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà hát, rạp hát. Nếu làm được điều này thì 5 - 10 năm tới, TP mới có được những cơ sở vật chất hiện đại phục vụ văn hóa và cũng là một trong những giải pháp giúp nghệ thuật kịch nói được giữ gìn, phát triển, góp phần phục vụ dân trí TP.
Nghệ sĩ Phan Quốc Kiệt, rạp trưởng rạp Hưng Đạo, tạm thời tiếp nhận phụ trách rạp Thủ Đô, cho biết: “Chúng tôi đã nói rất nhiều về việc xuống cấp của rạp Thủ Đô. Rạp Thủ Đô có cách đây khoảng 70 năm, được sửa chữa duy nhất 1 lần, nay đã xuống cấp trầm trọng. Hiện giờ, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang chỉ mượn tạm rạp hát này để sử dụng, trong khi chờ công trình xây dựng Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo hoàn thành. Vấn đề xây dựng và hoàn thành Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo, là mong muốn và khao khát của cả giới nghệ sĩ”.
Còn đạo diễn Huỳnh Mai, Phó giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, mong mỏi: “Hy vọng cuối năm 2014 hoặc trễ lắm là đến khoảng tháng 3, tháng 4-2015, Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo sẽ hoàn thành. Khi đó, nhà hát có thể bắt tay thực hiện các đề án về đào tạo, tổ chức biểu diễn. Những năm qua, vì không có được cơ sở vật chất hiện đại để hoạt động nghệ thuật ổn định nên chúng tôi không thể thực hiện bất cứ đề án nào”.
Suốt những năm qua, hàng loạt khó khăn và thách thức đối với những người làm nghệ thuật, không chỉ là việc dốc sức rèn nghề, nâng cao tay nghề, lo khán giả bị lôi cuốn đi bởi các loại hình giải trí hiện đại khác, chuyện kịch bản, đạo diễn, diễn viên… mà cơ sở vật chất cũng là vấn đề nan giải.
Với tình trạng thiếu hụt trầm trọng những sân khấu, rạp hát hiện đại để duy trì hoạt động, tôn vinh và phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật, nhất là đối với nghệ thuật truyền thống dân tộc, thiết nghĩ các cấp lãnh đạo TPHCM, các cơ quan ban ngành chức năng cần quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa để cùng tháo gỡ khó khăn.
| |
THÚY BÌNH