
Trong những ngày cuối năm, từ đồng bằng chúng tôi ngược lên miền rẻo cao của Nghệ An để được cảm nhận không khí đón tết của đồng bào các dân tộc nơi đây. Sương giăng mịt mùng, trời rét căm căm, nhưng không không khí sắm tết đã bắt đầu nhộn nhịp, rôm rả những tiếng cười nói của đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú trên đường xuống chợ, từ những vạt hoa mận, hoa đào, chùm hồng bắt gặp bên đường, trong cái ồn ào tấp nập của phiên chợ vùng cao, trong chếnh choáng hơi men từ bát rượu ngô của đồng bào Mông và nụ cười cô gái Thái…

Những chàng trai, cô gái Mông đi “chơi chợ”.
Trong chuyến ngược đường lên biên giới, chốc chốc chúng tôi lại gặp những tốp người Mông, Khơ Mú… đang xuôi về trung tâm thị trấn, thị tứ sắm tết. Trên đường đi qua huyện miền núi Tương Dương, chúng tôi bắt gặp một đoàn người Mông nên dừng lại chuyện trò. Đây là những người từ bản Xốp Nặm (xã Tam Hợp) trên đường xuống chợ ở thị trấn Hòa Bình. Mỗi người đều mang theo những sản vật của mình, vui mắt nhất là từ người lớn cho tới trẻ con đều ôm khư khư bên mình một con gà. Hỏi mua, họ sẵn sàng bán, không nói thách và chỉ với một giá duy nhất, con gà nhỏ (khoảng 1kg) 120.000 đồng, còn gà to “to tiền hơn”. Đây là một trong những sản vật sau một năm làm lụng vất vả mới có được. Sản vật của người vùng cao được đem xuống chợ gồm lợn nít (giống lợn nhỏ của đồng bào dân tộc), gà đen (gà ác), khoai sọ, gạo mới, bí xanh, rau cải và đặc biệt là cá lăng, cá mát, cà ngọt và xoài. Không chỉ người lớn mà các em nhỏ cũng được mẹ cho xuống chợ sắm tết.
Mọi thứ trong chợ ở khu vực biên giới Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) trông đến hoa cả mắt. Đúng với nghĩa “ngựa xe như nước” với đủ các loại xe chở hàng, ngựa thồ hàng và chở người từ nhiều ngả đổ về. Mọi thứ nơi đây được bày biện ngổn ngang. Chúng tôi được biết, mặc dù xe cộ, đồ đạc… để ngổn ngang không ai trông nhưng không có ăn trộm ăn cắp, để cả ngày cả đêm hôm sau đến vẫn thấy nguyên chỗ cũ. Không khí chợ ồn ào tấp nập trong đủ màu sắc quần áo, “cuộc rượu”, tiếng nói cười… Chưa đến 10 giờ sáng, nhưng nhiều đàn ông mặt đã đỏ bừng vì rượu. Chợ không thiếu một thứ gì so với miền xuôi, từ nước mắm, bột ngọt… đến áo quần, giày dép… Không ít người từ các bản vùng cao về chợ chỉ để mua những thứ thiết yếu như muối, dầu thắp, đèn pin, dao… Còn với người miền xuôi lên đây, họ quan tâm hỏi mua những đặc sản của đồng bào “làm được ở năm cũ”. Nếp cẩm 12.000 đồng/kg, khoai sọ 5.000 đồng/kg… Năm nay các loại đặc sản có giá hơn nhiều so với năm ngoái. Nếu như lợn nít năm ngoái 40.000 đồng/kg thịt hơi thì năm nay lên tới 80.000 đồng, gà đen năm ngoái giá 120.000 đồng/kg năm nay tăng lên 150.000 đồng…
Không khí tết đã đến trên vùng rẻo cao với những khuôn mặt rạng ngời và nụ cười đi đến đâu cũng bắt gặp. Các chàng trai và cô gái Mông trên đường xuống chợ vừa đi vừa trêu chọc nhau, nói cười vang cả một đoạn đường rừng. Con trai Mông bây giờ nhiều người ăn mặc mang những kiểu dáng lai tạp từ các loại quần áo may sẵn, nhưng đặc biệt thiếu nữ Mông vẫn diện theo lối truyền thống khi đi “chơi chợ”.
Trong một góc quán nhỏ trong chợ Mường Xén (huyện Kỳ Sơn), cô gái Hờ Thị Xu mời khách vào ăn thịt chuột nướng với nụ cười quyến rũ khôn cùng. Cô bảo cô người bản Noọng Dẻ (xã Nậm Cắn). Người Mông bây giờ vẫn ăn tết theo các anh em dân tộc khác, nhưng người Mông cũng có tết cổ truyền của riêng mình. Người Mông tính 12 lần trăng tròn là một năm không kể tháng thiếu tháng nhuận, nên tết người Mông thường vào dịp sau Tết Dương lịch và trước Tết Nguyên đán.
Đến với tết của người Mông sẽ được ngắm cây đào của người Mông nở hoa. Người Mông đón tết với lễ đi lấy nước đầu nguồn đem về “cân” 3 giọt nước đầu tiên để xem niềm vui năm mới đến và thấy những điều làm được trong năm cũ. Người Mông “bắt” khách đến chơi tết, làm cơm rượu mời từ… 1 giờ sáng. Ngồi hóng chuyện của Xu, anh bạn cùng đi chợt khe khẽ đọc câu thơ của ai đó: “Lên đây mời bát rượu ngô/Ghé vào chơi chợ ngắm cô em cười”.
Vẫn biết còn lẩn khuất sau những quả núi, cánh rừng chưa hết những em bé cần thêm áo ấm, người già còn chưa đủ chăn bông… nhưng qua những gì chứng kiến (dù chỉ thoáng qua) về không khí sắm tết cũng đã phần nào thấy được cuộc sống đang dần đổi thay trên miền rẻo cao sương giá này.
Duy Cường