Rốn lũ chờ... mưa

Rốn lũ chờ... mưa

Nằm ở khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai và có địa hình trũng thấp, huyện Cát Tiên được ví như “rốn lũ” của tỉnh Lâm Đồng, nhưng vào thời điểm này, người dân nơi đây đang ngày đêm mong trời đổ mưa để giải cơn đại hạn đã kéo dài gần 5 tháng.

Cháu Hoàng Thị Bích Huệ xin nước giếng về cho gia đình sử dụng.
Cháu Hoàng Thị Bích Huệ xin nước giếng về cho gia đình sử dụng.
 

Đồng khô

Đặt chân lên đất Cát Tiên, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là cánh đồng lúa mới gieo chừng một tháng đang héo queo giữa mặt ruộng nứt nẻ. Sông Đồng Nai nhiều tháng trước còn hung dữ nhấn chìm hoa màu và nhà cửa của người dân hai bên bờ thì nay chỉ còn chảy yếu ớt.

Ông Đào Duy Mai, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cát Tiên nói: “Hơn 10 năm trở lại đây, chưa năm nào hạn nặng và kéo dài như năm nay. Nước sông Đồng Nai hạ xuống cả nửa mét nên 4 trạm bơm Quảng Ngãi, Phù Mỹ, Đức Phổ và Phước Cát 1 đều bị hụt nước, phải ngưng hoạt động cả tháng nay. Vì vậy, gần 500ha lúa lấy nguồn nước từ các trạm bơm này đang chết khô”.

Không chỉ nước sông Đồng Nai mà nước từ hồ thủy lợi Đắc Lô (cung cấp nước tưới 600ha lúa) cũng đã về mực nước chết. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra từ khi công trình thủy lợi này được xây dựng. Tại các xã Gia Viễn, Đức Phổ và thị trấn Đồng Nai, những cánh đồng lúa đến kỳ chuẩn bị làm đòng đang thiếu nước nghiêm trọng. Nhìn đồng lúa dần bị vàng đi, ông Phạm Văn Điều (khu 9, thị trấn Đồng Nai) ngao ngán: “Nhà tôi làm được 1ha, trong đó có 7 sào bị hạn. Lúa đến độ làm đòng, đang cần bón phân đợt 2 nhưng không có giọt nước nào nên đành chịu”.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT Cát Tiên, hiện đã có 1.700ha trên tổng số 3.000ha lúa hè-thu của huyện thiếu nước, trong đó nguy cơ thiệt hại lớn nhất ở xã Gia Viễn (lúa đang làm đòng) và Tư Nghĩa (do trạm bơm Quảng Ngãi không hoạt động). Ngoài ra, có 350ha bị mất giống và hơn 700ha không thể xuống giống do không có nước từ đầu vụ. Theo ông Đào Duy Mai, nếu nắng hạn còn kéo dài thì có đến cả ngàn hécta lúa trong huyện bị mất trắng.

Người khát

Không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt ở đây cũng thiếu nghiêm trọng. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Chánh Văn phòng UBND huyện Cát Tiên cho biết, do chưa có hệ thống nước máy nên người dân chủ yếu dùng giếng đào, phụ thuộc vào nước mưa và mực nước sông Đồng Nai, khi nước sông xuống thấp thì giếng cũng khô dần và có phèn.

4 giờ chiều, chúng tôi đến khu 9, thị trấn Đồng Nai - nơi thiếu nước sinh hoạt khá gay gắt. Đang đẩy chiếc xe rùa chở 3 can nước (mỗi can 20 lít), thấy chúng tôi lấy máy ghi hình, chị Phạm Thị Hòa (ở khu 9) dừng lại, chỉ tay về phía đồng lúa, nói: “Các anh cứ đến nhà chú Thái, tha hồ mà chụp, cả làng ai cũng đến nhà chú ấy xin nước…”.

Quả vậy, tại sân nhà ông Hoàng Văn Thái ở đầu đường lô 2 (đường mới mở tránh trung tâm thị trấn Đồng Nai) có đến hàng chục người đang chờ đến lượt lấy nước. Ai nấy đều chuẩn bị sẵn gầu múc nước, can chứa nước từ 20 – 30 lít buộc sẵn trên xe đạp, xe gắn máy hoặc đẩy bằng xe rùa. Ông Thái cho biết, nhà ông may mắn đào giếng trúng mạch nước nên đến nay nước vẫn còn nhiều. Từ đầu tháng 12-2009, đã có người đến xin nước; còn nay đến phân nửa hộ dân trong khu 9 (khoảng 40 – 50 hộ) đến xin, người ít thì 2 chuyến, người nhiều thì 5 – 6 chuyến/ngày.

Chúng tôi hỏi thăm cháu Hoàng Thị Bích Huệ, đang học lớp 6 Trường THCS thị trấn Đồng Nai. Cháu Huệ cho biết, do bố mẹ đều bị ốm nên cháu phải đẩy xe rùa đi xin nước, mỗi ngày khoảng 7 chuyến, mỗi chuyến 2 can 20 lít để có nước sinh hoạt cho gia đình và chăn nuôi… Còn chị Phùng Thị Biên (tổ 1, khu 9) than: “Nhà tôi chỉ cách sông Đồng Nai vài chục mét, vậy mà giếng sâu đến 10m vẫn khô, phải đi xin nước từ tháng 12-2009”. Chị Hoàng Thị Tươi đứng gần đó cho biết nhà chị có 4 người, nước sinh hoạt không cần nhiều nhưng có đàn heo nên phải đến xin anh Thái mỗi ngày hơn 300 lít nước…

Gian nan là vậy nhưng những người dân nói trên vẫn cho rằng mình may mắn vì có nơi để xin chứ không phải mua nước với giá “trên trời” như ở khu 7, khu 8, khu kinh doanh (chợ Cát Tiên). Hàng chục hộ dân ở các khu vực nói trên phải mua nước ở cơ sở sản xuất nước đá của ông Lý (khu 6, thị trấn Cát Tiên) từ nhiều tháng qua với giá mỗi can là 2.500 đồng (30 lít/can). Như vậy, người dân phải trả gần 100.000 đồng để có 1m3 nước.

Do trời nắng nóng kéo dài nên nhu cầu sử dụng bình nước lọc loại 20 lít tại huyện Cát Tiên tăng mạnh. Các đại lý nước ở thị trấn Đồng Nai cho biết lượng nước bán ra dịp này tăng gấp 2 – 3 lần so với trước, các cơ sở sản xuất nước đá chạy hết công suất cũng không đủ bán. Các loại dụng cụ trữ nước như bình, can cũng hút hàng. Chủ một tiệm tạp hóa ở chợ Cát Tiên cho biết, mỗi tháng bán ra khoảng gần 300 chiếc can loại 20 – 30 lít và gầu múc nước.  

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục