Rộn ràng khúc nhạc xuân

Trong muôn ngàn âm thanh của mùa xuân, mùa xuân của đất trời, mùa xuân trong lòng người với những vui buồn đang tràn ngập không gian, người nhạc sĩ đã thu nhận và tái tạo thành những lời ca điệu hát.
Rộn ràng khúc nhạc xuân

Trong muôn ngàn âm thanh của mùa xuân, mùa xuân của đất trời, mùa xuân trong lòng người với những vui buồn đang tràn ngập không gian, người nhạc sĩ đã thu nhận và tái tạo thành những lời ca điệu hát.

Từ khi nền tân nhạc xuất hiện cho đến những ngày tiền khởi nghĩa, đã có hàng trăm ca khúc xuất hiện, trong đó những bài về xuân đã để lại những dấu ấn khó quên. Có thể kể đến Hồn xuân (Nguyễn Xuân Khoát), Hồ xuân và thiếu nữ (Văn Chung), Vườn xuân (Lê Yên), Bản đàn xuân (Lê Thương)... Nhiều bản nhạc không trực tiếp ca ngợi mùa xuân, nhưng cũng đã lấy bối cảnh mùa xuân để làm nền cho những cảm xúc của tác giả. Trong ca khúc Thiên Thai nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao: Thiên Thai, chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian/Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần…

Trước Cách mạng Tháng Tám, có một ca khúc về xuân rất tuyệt vời sống mãi cho đến ngày nay. Đó là bài Xuân và tuổi trẻ, sáng tác của La Hối. Tác giả tên thật La Doãn Chánh, người Việt gốc Hoa. Bài này được sáng tác vào năm 1944, ban đầu là để cho dàn nhạc của Hội Ngườøi yêu âm nhạc TP Hội An biểu diễn. Tư duy khí nhạc thể hiện khá rõ nét trong khúc thức và nhịp valse 3/4 của bản Xuân và tuổi trẻ.

Về sau, do có nhiều người yêu thích nên được viết thêm ca từ để hát (lời tiếng Hoa của Diệp Truyền Hoa). Năm 1946, Đoàn kịch Anh Vũ trên đường đi biểu diễn từ Bắc vào Nam, khi đến Hội An, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhà thơ-đạo diễn kịch Thế Lữ, nhạc sĩ-biên đạo múa Văn Chung... trong đoàn rất thích thú khi được nghe bản nhạc Xuân và tuổi trẻ.

Thế là ngay sau đó, Thế Lữ viết lời Việt, Nguyễn Xuân Khoát phối khí cho dàn nhạc, Văn Chung dựng múa cho đoàn trình diễn tại chỗ tiết mục ca múa Xuân và tuổi trẻ. Từ đó, bài hát bay cao, bay xa khắp mọi miền đất nước: Ngày thắm tươi bên đời xuân mới/Lòng đắm say bao nguồn vui sống/Xuân về với ngàn hoa tươi sáng/Ta muốn hái muôn hoa đóa hồng...

Nhóm múa Vầng trăng biểu diễn trong chương trình khai mạc lễ hội mừng năm mới 2012. Ảnh: AN DUNG

Nhóm múa Vầng trăng biểu diễn trong chương trình khai mạc lễ hội mừng năm mới 2012. Ảnh: AN DUNG

Chúng ta đều biết, nhạc sĩ Xuân Hồng có một chùm 3 ca khúc về xuân rất nổi tiếng: Xuân chiến khu (1963), Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (1975) và Mùa xuân bên cửa sổ (phổ thơ Song Hảo – 1965). Đầu thập niên 60 thế kỷ trước, tại chiến trường Nam bộ, nhạc sĩ Xuân Hồng được cấp trên điều về làm Trưởng đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam. Đầu năm 1963, lãnh đạo yêu cầu xây dựng một chương trình ca múa nhạc với chủ đề “Hát mừng mùa xuân thắng lợi” và ít nhất phải có một sáng tác mới.

Thế là nhạc sĩ Xuân Hồng bắt tay vào sáng tác. Khi tìm nét nhạc chủ đề cho ca khúc và phải mang tính dân tộc, ông chợt nghĩ đến bài “Bình bán vắn”. Nhạc sĩ Xuân Hồng chợt nhớ mấy câu lời ca cũ không biết ai đặt lời: Trăng kìa trăng lú lên/Đôi bạn mình xúm xít ngồi chơi…/(Liu tồn liu xáng u/U liu cồng liu u xáng liu…).

Nét nhạc chủ đề đã xuất hiện, thế là như nguồn nước được khơi dòng, nhạc và lời của bài Xuân chiến khu tuôn chảy theo cảm hứng: Mùa xuân về trong chiến khu/Tiếng chim rừng vang hót khắp nơi/Mùa xuân về trong chiến khu/Gió đưa cây rừng cành lá vi vu…

Trong số các nhạc sĩ có nhiều sáng tác về mùa xuân, Trần Hoàn là tác giả một loạt bài có giai điệu đẹp, đáng chú ý là bài Một mùa xuân nho nhỏ (thơ Thanh Hải – 1980). Mùa xuân năm 1980, khi đất nước đang trải qua bao nỗi khó khăn, vất vả sau những năm dài khói lửa bom đạn chiến tranh, nhạc sĩ Trần Hoàn vẫn lạc quan tin tưởng ở tương lai tươi sáng của Tổ quốc. Ông tự ví mình như một con chim hót, một nhành hoa, một tiếng ca: Ta làm con chim hót/Ta làm một nhành hoa/Ta nhập trong hòa ca/Một nốt trầm xao xuyến/Một mùa xuân nho nhỏ/Lặng lẽ dâng cho đời…

Nhạc sĩ Trần Hoàn khi phổ thơ Thanh Hải đã tâm sự: “Tôi rất tâm đắc với lời thơ trong bài thơ cuối đời của Thanh Hải, vì nó đã nói hộ tôi mục đích, ý nghĩa việc sáng tác của mình với đất nước, quê hương, với nhân dân và cuộc đời…”.

Đó cũng là mục đích của giới nhạc sĩ để sáng tạo thật nhiều ca khúc thấm đượm tình yêu nhân dân, quê hương, đất nước sống mãi với thời gian và trong lòng công chúng yêu nhạc.

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục