Một mùa xuân mới nữa lại về với quần đảo Trường Sa - mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc. Cho dù cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng hơi ấm từ “đất mẹ”, từ những tấm lòng hậu phương luôn hướng về biển đảo đang giúp quân và dân nơi đây được đón món một cái tết no ấm.
Ấm lòng người đảo xa
Trong căn nhà vừa mới được quét vôi, sửa lại rất khang trang và sạch sẽ, vợ chồng anh chị Nguyễn Tuấn Kiệt và Nguyễn Thị Thanh Thoảng (một trong những hộ dân ở đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa) đang khéo léo trang trí từng cành hoa trong chậu mai cảnh để đón Tết Giáp Ngọ.
Không giấu nổi niềm vui, chị Thoảng chia sẻ: “Ngoài bánh kẹo, mứt, chè thuốc, cà phê, gạo nếp… là những món quà đầy ý nghĩa và quý giá từ đất liền gửi tặng mỗi khi tết đến thì năm nay gia đình em cũng nuôi trồng thêm được khá nhiều gà vịt, rau xanh nên thực phẩm sẽ rất dồi dào. Nếu mấy ngày giáp tết trời yên biển lặng, vợ chồng em cùng mấy hộ xung quanh sẽ ra biển để kiếm thêm ít cua, cá để bữa cơm ngày đầu xuân thêm rôm rả, đầy đủ hơn cho bọn trẻ. Trong những ngày tết, gia đình nào cũng làm lễ đón giao thừa và đến chùa cầu cho một năm mới sóng yên, biển lặng, mưa thuận, gió hòa, mọi người có sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc”.
Cùng hàng xóm với gia đình anh Kiệt ở đảo Song Tử Tây là vợ chồng anh chị Đặng Văn Trí và chị Nguyễn Thị Ngọc Trang. Gia đình trẻ này đang tíu tít chuẩn bị mấy bộ quần áo mới để cho con trẻ mặc trong những ngày đầu xuân, rồi cẩn thận sửa sang lại chậu hoa cảnh trước sân khiến chúng tôi cảm giác không khí tết nơi đảo xa cũng chộn rộn, vui tươi chẳng kém gì đất liền. Chia sẻ với chúng tôi, anh Trí cho biết, cuộc sống vật chất và tinh thần ở đảo cũng không quá thiếu thốn như mọi người nghĩ. Trên đảo bây giờ có điện, điện thoại và ti vi suốt ngày nên khoảng cách giữa Trường Sa và đất liền không còn xa nữa. Chắc chắn rằng vợ chồng em và những người thân, bạn bè ở đất liền trong những ngày tết sẽ gọi điện cho nhau rất nhiều để chúc tết, thăm hỏi nhau.
Không chỉ riêng đảo Song Tử Tây mà với tất cả hộ dân ở Trường Sa, biển cả sóng to gió lớn, nhưng mỗi khi tết đến, xuân về đều luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quân đội và người dân ở đất liền cùng cán bộ chiến sĩ trên đảo. Gương mặt rạng ngời niềm tin, vợ chồng anh Nguyễn Quang Lương (ở đảo Sinh Tồn) mừng rỡ cho biết, gia đình anh và các hộ khác trên đảo đều đã có đủ các loại thực phẩm tết cần thiết để đỏ lửa vui xuân những ngày đầu năm. Các gia đình kết nghĩa với cán bộ, chiến sĩ trên đảo cùng nhau mổ heo, mổ gà, rồi gói bánh chưng, bánh tét. Ai có gì góp nấy, vừa gói bánh vừa trò chuyện, tâm sự chuyện nhà cửa, công việc rất vui vẻ. Bánh chín thì chia đều cho các hộ gia đình và tặng lại cho bộ đội trong đơn vị kết nghĩa.
Chắc tay súng vui xuân mới
Trên đảo Nam Yết, những ngày giáp tết, khắp đảo tràn ngập trong sắc màu của mùa xuân mới. Tại hội trường trung tâm văn hóa của đảo, rộn ràng trong lời ca tiếng nhạc của nhiều chiến sĩ trẻ tập văn nghệ, một số chiến sĩ khác lại hào hứng tham gia trang trí cành mai vàng, sắp xếp mâm ngũ quả để bày lên bàn thờ Bác. Đặc biệt, ai cũng háo hức muốn được tự tay mình gói bánh chưng, bánh tét bằng lá bàng vuông, thứ đặc sản chỉ có Trường Sa. Chỉ với một chiếc khuôn gỗ hình vuông qua bàn tay khéo léo và nhanh nhẹn của bộ đội, hàng chục chiếc bánh vuông vắn đã được gói xong.
Trung úy Lê Bá Bình (Phân đội trưởng 2, cụm 981, đảo Nam Yết) bật mí: bánh chưng, bánh tét ở đảo thường có 2 loại lá, phía trong là lá bàng vuông, còn bên ngoài là chuối, hoặc lá dong. Nhưng do vận chuyển dài ngày từ đất liền ra đảo nên lá dong và lá chuối thường bị khô nên trước khi gói bánh, anh em chiến sĩ phải cận thận nhúng từng chiếc lá qua nước nóng để lá mềm ra cho dễ gói.
Trong khi đó, Trung tá Trần Đình Hòa, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết cho biết, năm nay Ban Chỉ huy đảo tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo đón tết với điều kiện vật chất, tinh thần được đảm bảo đầy đủ và tốt nhất. Ngoài hàng tết từ đất liền gửi tặng thì trong những tháng cuối năm, anh em cán bộ, chiến sĩ đã tích cực tăng gia sản xuất nên các loại thực phẩm thiết yếu và rau xanh. Trong những ngày tết, Ban Chỉ huy đảo còn tổ chức cho các phân đội, cụm chiến đấu thi đấu các môn thể thao, hái hoa dân chủ, trò chơi dân gian, thi văn nghệ và lễ trồng cây. Dù vậy, Ban Chỉ huy đảo đã lên kế hoạch phân công cụ thể cho các đơn vị để canh gác, trực chiến, xử lý kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra.
Ở quần đảo Trường Sa, nếu so với các đảo nổi, cuộc sống và công việc của người lính trên các đảo chìm, hay nhà giàn thì vất vả hơn. Đảo chìm Đá Thị nằm trên một bãi san hô lớn, trụ sở của đảo chỉ là một căn nhà 3 tầng hiên ngang giữa biển Đông mênh mông.
Thượng úy Đặng Ngọc Khánh, Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị cho biết, dù đời sống ở đảo còn thiếu thốn nhưng Ban Chỉ huy đảo cũng có kế hoạch cụ thể để tổ chức cho bộ đội ăn tết đầm ấm, mang đậm hương vị quê nhà theo phương châm “Vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, sẵn sàng chiến đấu cao”. Ngày giáp tết, anh em cán bộ chiến sĩ sẽ cùng nhau tổ chức gói bánh chưng, trang trí bàn thờ, mâm ngũ quả. Do thời tiết ở đảo rất khắc nghiệt nên không có hoa tươi nhưng để có không khí tết, anh em chiến sĩ sẽ lấy những cành đào, cành mai khô sau đó lấy giấy màu hồng và vàng cắt thành những bông hoa, khéo léo trang trí những cành mai, cành đào rực rỡ để đón xuân thêm ấm cúng. Đêm giao thừa, toàn đảo tập trung nghe Chủ tịch nước chúc tết và không quên chúc nhau năm mới luôn mạnh khỏe, vững tay súng để hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.
| |
QUỐC KHÁNH