Rồng bay khắp đất chín Rồng

Tết Nhâm Thìn, những nét thư pháp “phượng múa rồng bay” tỏa khắp đất chín Rồng. Mỹ tục cội nguồn đầu xuân đó, mừng thay, đang phát triển ngay trong lớp trẻ đồng bằng.
Rồng bay khắp đất chín Rồng

Tết Nhâm Thìn, những nét thư pháp “phượng múa rồng bay” tỏa khắp đất chín Rồng. Mỹ tục cội nguồn đầu xuân đó, mừng thay, đang phát triển ngay trong lớp trẻ đồng bằng.

  • Cần Thơ có phố ông đồ

“Từ ngày đưa ông Táo về trời, nhóm em tham gia chương trình “Sắc xuân miệt vườn” cùng nhau ra đây làm luôn”- Lê Hoàng Hải, 22 tuổi, sinh viên Khoa Công nghệ thông tin Đại học Cần Thơ thuộc Câu lạc bộ thư pháp Vĩnh Long, nói vậy.

Góc đại lộ Hòa Bình, trên vỉa hè Bảo tàng Cần Thơ “sâu lắng” hơn bởi các loại tranh, thơ thư pháp nhiều kích cỡ, chất liệu, màu sắc và cả sự lụi cụi gò lưng nắn chữ của 4-5 ông đồ áo dài khăn đóng, hầu hết trong độ tuổi 8X. Chính tuyến đường này, theo dự tính, sẽ trở thành “phố ông đồ” của thành phố ven sông Hậu mỗi khi xuân về, tết đến.

Ngày càng nhiều ông đồ 8X.

Ngày càng nhiều ông đồ 8X.

Tối 29 Tết, người du xuân vẫn ghé xin chữ nườm nượp. “Ai còn Mẹ, xin đừng làm Mẹ khóc/Đừng để buồn/lên mắt Mẹ/nghe không”, cặp vợ chồng trẻ sau khi mua được cặp thư pháp, đã len ra ngoài đám đông giảng nghĩa từng chữ cho cậu con trai.

Hải hào hứng: “Tụi em mới làm quen với thư pháp hơn năm qua, cũng sắm sửa “văn phòng tứ bảo” rồi học qua mạng và mấy anh đi trước”. Thư pháp giúp rèn chữ và rèn cả tâm tính nữa. Chữ Tâm, chữ Hiếu, chữ Nhân, chữ Nhẫn rồi “Phúc”, “Đức”, “An”, “Khang”, “Thọ” được người ta xin nhiều nhưng gần đây các bạn trẻ còn yêu cầu những câu thơ về tình yêu đôi lứa, quê hương, mùa xuân… nên ngoài những sách xưa, tụi em còn phải sưu tầm thêm thơ, nhạc của nhiều tác giả nổi tiếng khác như Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng…

Bên kia lộ là điểm viết thư pháp của ông Trương Quốc Thái, điêu khắc gia, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông Thái đã có thâm niên 8 năm viết thư pháp tại đây, là dân chuyên nghiệp nên nét chữ cứng cáp, bay bướm hơn và có nhiều mối quen đặt trước. Ông còn mở lớp dạy viết thư pháp cho lớp trẻ tại nhà riêng và Nhà văn hóa Thiếu nhi. Chỉ mấy ngày tết ông cũng bỏ túi khoảng 5-6 triệu đồng.

  • Nét hoa múa lượn

Mấy năm trước ở ngay nội ô thành phố Cần Thơ có “sự kiện văn hóa” hy hữu: Trên mỗi trụ xi măng của hàng rào giữa Công viên Hoàng Văn Thụ và bờ sông Cái Khế đều được “đề thơ” theo kiểu thư pháp về mẹ, cha, Phật, Truyện Kiều, thơ Hàn Mặc Tử… “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai”, “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm bún, lưỡi lừa cá xương”… Cứ sáng ra lại thấy xuất hiện thêm và hàng chục trụ được viết thêm những “lời vàng ý ngọc” như vậy.

Khi sự kiện “ầm ĩ”, người ta “truy tìm” tác giả và xóa hết những nét chữ “tài hoa” đó (“hiện trường” nếu được giữ nguyên thì Cần Thơ đã có một công viên thư pháp độc đáo?).

Ngược thời gian, đất chín Rồng đã “có danh có phận” trong làng thư pháp với cái tên Đông Hồ Lâm Tấn Phác xứ Hà Tiên. Chính ông là một trong những vị tiền bối có công đầu khai phá bộ môn thư pháp Việt, góp phần tạo nên “Hồn Việt qua thư pháp”. Đông Hồ - Mộng Tuyết, đôi vợ chồng tri âm tri kỷ là linh hồn cho Tao Đàn Chiêu Anh Các, nơi hội tụ bao nhân tài thơ văn. Đến nay, hàng năm, vào ngày 16-2, ngày sinh của cụ, người ta lại tụ về phóng bút đề thơ (thư pháp).

Năm 2007, trong đêm hội kỷ niệm 139 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, câu thơ hào hùng “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần” trên bức trướng thư pháp bằng loại vải phi bóng siêu bền rộng 162m² (đạt kỷ lục lớn nhất Việt Nam) bay phần phật giữa thành phố Rạch Giá, Kiên Giang.

Tết về, ở đâu trên đất đồng bằng cũng có những “ông đồ”, Hải nói vậy, giọng tự hào và kể có sinh viên tên Cường gốc Cà Mau đã học Đại học Luật trên TPHCM nhưng năm nào cũng rủ bạn về “múa cọ” khắp các tỉnh ĐBSCL. Trong các câu lạc bộ thư pháp, những “ông đồ” trẻ trung, năng động nhưng cũng rất tinh tế về nghệ thuật truyền thống này xuất hiện ngày càng nhiều.

Ông Thái hỉ hả: “Hồi mới ra chỉ có 2-3 người nay nở rộ; đặc biệt đã có sự “trẻ hóa” ở cả người viết lẫn người xin chữ. Người cầm cọ là bác sĩ, kỹ sư, sinh viên, học sinh; không chỉ viết trên giấy, trên tre, đĩa, đá mà còn bay lượn cả trên mặt trái dưa hấu, bưởi và một số trái cây khác cho đúng chất… đồng bằng”.

Mới năm ngoái, ngày rằm tháng giêng với đêm thơ Nguyên tiêu, 3 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng cũng tập trung thi ảnh đề thơ và thi viết thư pháp chữ Hán, chữ Việt. Thành phố Long Xuyên (An Giang) có gian hàng thư pháp Thoại Lý dập dìu du khách...

Thư pháp không chỉ là bay bổng nét chữ mà còn ấp ôm cả cái tình, cả cách sống, lẽ sống của người Việt. “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”. Tiếng “gọi hồn” tha thiết của cụ Vũ Đình Liên, mừng thay, đã có lớp cháu con đáp lại. Những giá trị truyền thống ngàn đời mà cha ông đã bao công bồi đắp không dễ mất, vẫn lưu chuyển mạnh lắm trong lớp trẻ hôm nay. Rồng đã bay khắp đất chín Rồng. 

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục