Người dân Hà Nội và khách du lịch phát hiện rùa tai đỏ xuất hiện ngày càng nhiều ở Hồ Gươm nằm giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, nơi đang bảo tồn loài rùa thiêng đã ngàn năm tuổi trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Chị Thu Thủy, nhà ở khu Hàng Bè (Hà Nội) cho biết cách đây 2 tuần, khi dẫn đứa con trai 4 tuổi ra sân đền Ngọc Sơn chơi tình cờ phát hiện 2-3 con rùa loại to gần bằng bàn tay, cổ có sọc đỏ, giống như loài “rùa tai đỏ” đã miêu tả, loi ngoi bơi, nổi lên mặt nước. Thậm chí có con còn bò lên kè đá nằm sưởi nắng.
Những người bán hàng rong ở ven hồ, gần khu vào cầu Thê Húc kể, cứ tầm trưa hoặc chiều có nắng là rùa con nổi lên. Sau khi ăn no, chúng còn leo lên các cành cây xòa sát mặt nước để ngủ. Có những cành cây chi chít rùa tai đỏ, con nhỏ như ngón chân cái, con to thì bằng bàn tay.
Vào ngày 19-12, người dân Hà Nội và khách du lịch bàng hoàng phát hiện hàng chục con rùa tai đỏ nổi lên giỡn nước, thậm chí có con còn “cưỡi” trên lưng cụ rùa khi “cụ” nổi lên mặt nước.
Điều đó chứng tỏ lượng rùa tai đỏ ở Hồ Gươm hiện nay đã ở mức đáng báo động. Cụ rùa đang phải chung sống cùng “tập đoàn” rùa tai đỏ ngày càng đông lên nhung nhúc.
PGS.TS Hà Đình Đức, người chuyên nghiên cứu về rùa Hồ Gươm và đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi hành động bảo vệ “cụ” rùa, cho biết: “Lần đầu tiên phát hiện Hồ Gươm có rùa tai đỏ là năm 1997 nhưng sau đó chẳng ai thèm bận tâm, lo ngại vì nghĩ rằng cả khu hồ rộng mênh mông, chỉ một vài con rùa tai đỏ không đáng kể”.
Bởi vậy, những năm gần đây, lượng rùa tai đỏ sinh sôi càng nhiều, thực sự đe dọa tới tính mạng cụ rùa thiêng và môi sinh của Hồ Gươm. Từ năm 2004 cho tới nay, lượng rùa tai đỏ đã nhiều lên một cách đáng kinh ngạc. Ông Hà Đình Đức cũng cho biết, từ năm 2004, khi triển khai một dự án về thủy sản, ông đã nghiên cứu về rùa tai đỏ có ảnh hưởng tới rùa Hồ Gươm và đã đề nghị triển khai kế hoạch tiêu diệt rùa tai đỏ ngay nhưng không có cơ quan nào quan tâm. Rùa tai đỏ là loài ngoại lai nguy hiểm ở chỗ, chúng ăn rào rào bất kể thứ gì, lại sinh đẻ nhanh nên sản lượng tăng nhanh, có thể tàn phá môi sinh của cả khu vực Hồ Gươm, làm cụ rùa thiêng có thể bị chết đói.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở NN-PTNT Hà Nội chịu trách nhiệm về việc thu gom toàn bộ rùa tai đỏ trên địa bàn, trong đó có việc tiêu diệt rùa tai đỏ ở Hồ Gươm. Tuy nhiên, ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội thừa nhận, cho tới thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng vẫn chưa có hành động cụ thể để loại rùa tai đỏ ra khỏi Hồ Gươm, cứu cụ rùa.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng đã giao các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, buôn bán, nuôi thả và lưu giữ rùa tai đỏ trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật… nhưng hiện nay, ở nhiều đại lý sinh vật cảnh, cá cảnh vẫn còn bán rùa tai đỏ cho người dân mua về chơi hoặc đem phóng sinh.
Theo TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban phản biện xã hội thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, trước khi cơ quan chức năng đưa ra giải pháp hữu hiệu, hành động mà mỗi người dân và khách du lịch có thể làm ngay là nhặt, bắt rùa tai đỏ ra khỏi khu vực Hồ Gươm khi bắt gặp, rồi giết chúng đi, không được làm thực phẩm để đảm bảo tiêu chí không tiêu thụ động vật hoang dã.
PGS.TS Hà Đình Đức bày tỏ, ông sẵn sàng chủ trì việc đánh bắt, loại trừ bỏ rùa tai đỏ ra khỏi Hồ Gươm và có khi mức đầu tư chỉ khoảng vài chục triệu đồng, nhưng đề nghị chính quyền TP Hà Nội phải có một chính sách cụ thể. Theo ông, giải pháp khả thi hiện nay là sử dụng các phao nổi “rải” trên mặt hồ để rùa tai đỏ bò lên (vì loại rùa này rất thích bò trèo lên cao sưởi nắng) sau đó rung giật cho rơi xuống lưới để thu gom, tuyệt đối không được dùng thuốc. Ông Hà Đình Đức còn cho rằng, sở dĩ nước Hồ Gươm có màu xanh ngắt đặc trưng như hiện nay là do tồn tại các loại tảo ở bên dưới và đây là nguồn thức ăn của các loại rùa. Tuy nhiên, nếu rùa tai đỏ xuất hiện với mật độ dày đặc thì tới một lúc nào đó, màu xanh kia sẽ biến mất.
Văn Phúc