Run run cầu phao sông Ngàn Sâu

Đánh đu tính mạng
Run run cầu phao sông Ngàn Sâu

42 năm (từ tháng 6-1972 - kể từ khi sáp nhập 3 xã lại thành xã Phương Mỹ), hàng ngàn người dân và học sinh xã Phương Mỹ, huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh ước mơ có chiếc cầu kiên cố bắc qua sông Ngàn Sâu.

Cầu phao Chợ Hôm bắc qua dòng sông Ngàn Sâu (ở xã Phương Mỹ, huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).

Cầu phao Chợ Hôm bắc qua dòng sông Ngàn Sâu (ở xã Phương Mỹ, huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).

Đánh đu tính mạng

Cuộc sống người dân xã Phương Mỹ (xã nằm cạnh dòng sông Ngàn Sâu) rất khó khăn, quanh năm bám vào nghề trồng lúa nước, trồng bắp, đậu phộng và chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/năm, nguồn thu ngân sách tại xã năm 2013 đạt 162 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 17,6%…

Nhiều năm qua, chính quyền địa phương và nhân dân ở đây khao khát một chiếc cầu kiên cố bắc qua sông Ngàn Sâu để vừa đi lại thuận tiện, vừa đảm bảo an toàn tính mạng, giúp phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, do không có nguồn kinh phí, hàng ngàn người dân, học sinh trong vùng vẫn phải ngày ngày đánh đu số phận của mình trên chiếc cầu phao Chợ Hôm tạm đã xuống cấp nghiêm trọng. Đứng trên chiếc cầu phao đang chông chênh mặt nước, ông Hoàng Văn Phú (76 tuổi, ở xóm Tân Trung) lo lắng: “Cầu phao ni làm đã lâu lắm rồi, các thanh gỗ, cây tre, ốc vít sắt, thùng phi nhựa, dây thép… đều đã rệu rã, hư hỏng nghiêm trọng. Ai qua đây cũng nơm nớp lo sợ tai nạn vì cầu có thể đứt hoặc bị lật úp bất cứ lúc nào”.

Xã Phương Mỹ hiện có 8 xóm, gồm Thượng Sơn, Tân Thành, Tân Trung, Tân Hạ (gần 400 hộ dân, hơn 2.000 nhân khẩu) và Trung Thượng, Ấp Tiến, Nam Hà, Nam Trung (hơn 200 hộ dân, 1.700 nhân khẩu). Chiếc cầu phao Chợ Hôm (bắc tạm năm 2005) là cây cầu huyết mạch nối liền 8 xóm, điểm sâu nhất của sông Ngàn Sâu giữa cầu là hơn 10m, sát bờ 6 - 8m, có nhiều điểm nước chảy xoáy và xiết. Cầu có chiều dài khoảng 300m, rộng gần 2m, hai bên không hề có lan can hay tay vịn, mặt cầu được đan lát bằng các tấm gỗ mỏng, cọc tre, thùng phi nhựa kết nối lại với nhau bằng các con ốc, sợi dây cáp. Tuy nhiên, đến nay nó đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Dây cáp chính làm trụ cho cầu đã bị rỉ sét, thùng phi nhựa bị thủng lỗ nước chảy vào khiến nhiều nhịp cầu khập khiễng rung lắc rất mạnh mỗi khi có người và xe cộ lưu thông qua. Đặc biệt những chiếc đinh sắt được đóng để cố định các tấm gỗ, làm mắt đường cho cầu do ngâm nước quá lâu đã bị mục nát và bung ra, nhiều tấm ván bị gãy rệu rã… có thể sập, lật bất kỳ lúc nào.

Chị Ngô Thị Thưởng (37 tuổi, ở xóm Trung Thượng) ngày ngày phải đi qua chiếc cầu phao Chợ Hôm để sang cánh đồng của gia đình ở phía bên kia xóm cho biết: “Cứ mỗi lần đi qua cầu này, tôi run bần bật, nhất là vào lúc chập choạng tối hoặc rạng sáng, nếu bị rơi tõm xuống lòng sông Ngàn Sâu chắc chỉ có chết thôi. Tui lo nhất là học sinh ở đây khi mỗi ngày có trên dưới 1.000 lượt học sinh của xã đạp xe hoặc đi bộ qua chiếc cầu phao này. Cầu thì xuống cấp, yếu ớt, chao đảo như thế, nếu không có người lớn chỉ dẫn thì tính mạng của các cháu nguy hiểm lắm. Giờ có cách chi mà xây được cầu mới thì khi đó dân ở đây mới bớt lo được”.

Ước mơ một chiếc cầu

Ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ thở dài lo lắng: “Chúng tôi cũng muốn xây cầu mới đảm bảo an toàn. Nhưng ngặt nỗi xã lại nghèo nhất ở huyện Hương Khê, ngân sách bình quân chỉ được 160 - 162 triệu đồng/năm, mà kinh phí xây cầu lại không phải nhỏ. Đã nhiều lần xã có văn bản kiến nghị UBND huyện Hương Khê, UBND tỉnh Hà Tĩnh nhưng vẫn không thấy đả động gì. Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người dân, học sinh để mỗi ngày đi học, khi trời mưa to gió lớn, nước sông đổ về mạnh, xã sẽ cắt cử công an, đoàn thanh niên ra túc trực hoặc chuyển sang thuê đò ngang…”.

Theo thống kê của UBND Phương Mỹ, ngay tại điểm bắc cầu phao tạm Chợ Hôm trước đây vào năm 1997 đã từng xảy ra một vụ tai nạn chìm đò thương tâm khiến 7 người đi chùa về tử nạn. Tiếp đó, năm 2005, anh Lê Khắc Thái (24 tuổi, ở xã Hương Thủy, Hương Khê) đi chơi về qua cầu phao bị rơi xuống sông. 3 năm sau đó một phụ nữ 18 tuổi trong xã cũng bị rơi từ trên cầu phao xuống. Ngoài ra, còn có hàng chục người dân khác bị rơi cả người lẫn xe xuống sông nhưng may mắn được phát hiện cứu sống kịp thời.

Hiện tại chiếc cầu phao Chợ Hôm không chỉ phục vụ việc đi lại cho người dân xã Phương Mỹ mà còn phục vụ đi lại cho hàng ngàn người dân khác ở các xã Hà Linh, Phương Điền (Hương Khê)… Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê và cơ quan chức năng cần quan tâm, xây một cây cầu kiên cố, đừng để xảy ra sự cố đáng tiếc.

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục