Trong cơn lốc phá rừng khắp nơi, ở tỉnh Khánh Hòa, một cánh rừng căm xe nguyên sinh hàng trăm hécta cũng đang đứng trước nguy cơ biến mất.
Mía lấn rừng
Rừng phòng hộ căm xe thuộc địa bàn xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa có tổng diện tích gần 600ha thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa. Rừng nơi đây chỉ có một loại cây gỗ căm xe sinh trưởng, đây là loài gỗ quý hiếm thuộc nhóm 2, tồn tại ngay giữa vùng dân cư và nằm trên tuyến đường QL26 nối Đắc Lắc - Khánh Hòa.
Năm 2008, dư luận Khánh Hòa xôn xao vì một dự án trồng rừng Ninh Tây được hình thành. Thực tế, đây là dự án phá rừng để trồng rừng. Và điều đáng nói, vị trí phá rừng nằm ở vùng lõi của cánh rừng căm xe. Sau khi báo chí lên tiếng, cơ quan chức năng đã sớm vào cuộc và xử lý nên cánh rừng căm xe được bảo toàn. Thế nhưng, bây giờ nạn phá rừng lại tái diễn và rừng căm xe đang có nguy cơ biến mất.
Theo phản ánh của người dân, rừng căm xe bị phá đã lâu, nhưng thực sự báo động khi giá mía trên địa bàn tăng mạnh. Thế là những cánh rừng căm xe dần bị phá để lấy đất trồng mía hoặc bán cho người trồng mía. Trước đây, 1ha đất trồng mía có giá khoảng 50 - 60 triệu đồng, nhưng hơn 2 năm trở lại đây, do giá mía và nhu cầu mía nguyên liệu tăng cao, giá đất đã tăng lên gấp đôi, gấp ba. Vì vậy, có rẻ cũng 120 triệu đồng/ha.
Bất lực giữ rừng
Trong các điểm phá rừng phòng hộ căm xe phải kể đến các khu vực buôn Suối Mít, Sông Búng, buôn Tương. Trong đó, buôn Tương được xem là nơi phá rừng dữ dội nhất, với hàng chục điểm. Có nơi, rừng bị phá trắng 3 - 4ha. Hiện trường còn lại là những cây gỗ căm xe có đường kính 20 - 30cm bị đốn hạ còn trơ gốc và ở đó đang mọc lên cây mía.
Rừng bị phá bằng nhiều cách, nhưng việc dùng dao gọt gốc cây, đổ hóa chất hoặc nước muối khiến cây chết dần chết mòn là cách được áp dụng phổ biến. Với cách này, khi cây mía phát triển đến đâu cũng đồng nghĩa lúc cây rừng vừa chết đến đó. Ngang nhiên hơn, người ta còn kéo từng tốp vào rừng chặt cây hàng loạt như ở vườn nhà mình.
Ở Ninh Tây có một nhóm khoảng 15-20 người chuyên đi phá rừng theo kiểu đổi công. Họ tập trung phá rừng kiểu “đánh nhanh, thắng nhanh”, chiếm đất cho từng nhà, hết nhà này đến nhà khác nên diện tích rừng bị phá rất nhiều.
Theo thống kê, 600ha rừng căm xe Ninh Tây nay đã bị mất khoảng 200ha và đang tiếp tục bị tàn phá. Việc phá rừng kéo dài và gần như công khai nhưng biện pháp ngăn chặn gần như bế tắc, chỉ đến khi hàng chục hécta rừng bị triệt hạ, các ngành chức năng mới kiểm tra rồi lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên, việc lập biên bản này xem như cho qua chuyện, vì không bắt quả tang người vi phạm, không có tang vật mà chỉ ghi nhận thông tin.
Chính vì thế, trong năm 2011, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa nhận được 52 biên bản vi phạm phá rừng căm xe do Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa chuyển qua, và từ đầu năm đến nay có gần 30 vụ, với tổng diện tích lên đến hàng chục hécta nhưng không có căn cứ để xử lý.
Việc phá rừng căm xe rất ngang nhiên và ở quy mô lớn. Thậm chí, ngay giữa rừng phòng hộ căm xe đã có nhiều sổ đỏ được cấp, trong đó ở Ninh Tây có 4 trường hợp. Đã nhiều lần Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa đề xuất khởi kiện hoặc xin biện pháp mạnh với các trường hợp chiếm đất nhưng đều không được chấp thuận nên... đành thôi. Vì thế, với lực lượng hiện có, việc giữ rừng căm xe gần như vô vọng, bởi giải pháp hiện nay chỉ là vận động người dân cam kết ký vào không tham gia phá rừng. Còn thực tế, chuyện phá rừng xem như không thể kiểm soát.
"Tình hình phá rừng hiện nay rất căng, chỉ có cách mắc võng trong rừng để giữ. Có lần, các cơ quan chức năng có ý giao rừng cho xã, nhưng xã từ chối vì quản lý không xuể. Hiện nay, mỗi năm xã chỉ nhận 20 triệu đồng hỗ trợ bảo vệ rừng căm xe. Cách đây hơn 10 năm, có khoảng 50ha diện tích rừng căm xe này được giao cho Công ty Trường Xuân làm dự án du lịch nước khoáng nóng. Tuy nhiên, dự án này chẳng đem lại lợi ích gì cho địa phương, và nay, một số diện tích rừng căm xe trong dự án cũng đã biến thành đất trồng mía" Ông Lê Xuân Tuyên, |
Văn Ngọc