Đắk Lắk có hơn 500.000ha rừng tự nhiên, bình quân mỗi năm có hàng ngàn hécta rừng bị “xóa sổ” do phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng. Trước thực trạng phá rừng ngày càng nghiêm trọng, tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng nhưng có nơi bị phá sạch, có nơi xin trả.
“Xóa sổ” rừng
Tháng 8-2006, UBND huyện Ea H’leo giao thí điểm hơn 4.000ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp cho 4 buôn của xã Ea Sol quản lý (trong vòng 49 năm theo Quyết định 304/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) để cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Theo đó, 112 hộ dân buôn Chăm nhận quản lý hơn 1.800ha rừng, 63 hộ dân buôn Điêk nhận 518ha, 127 hộ dân buôn Ka Ry nhận 949ha và 123 hộ dân buôn Ta Ly nhận hơn 1.100ha.
Sau gần 5 năm được giao rừng, đến nay, hơn 1.000ha rừng cộng đồng ở Ea Sol đã bị “xóa sổ” để lấy đất canh tác. Số diện tích rừng còn lại đang “rỗng ruột”, rừng chỉ còn lại những cây gỗ nhỏ, không có giá trị kinh tế. Có mặt tại rừng cộng đồng buôn Ta Ly (xã Ea Sol) vào một ngày đầu tháng 6-2011, chúng tôi không khỏi xót xa cho những cánh rừng đang bị lâm tặc ngày đêm tàn phá. Cây rừng bị đốn hạ ngổn ngang, có cả mới lẫn cũ. Chỉ trong vòng chưa đầy một giờ, hàng chục chuyến xe công nông chở gỗ, trụ tiêu ngang nhiên chạy từ rừng ra như chốn không người.
Ông Hồ Duy Tấn, Chủ tịch UBND xã Ea Sol, lý giải việc mất rừng: “Rừng khi giao về cho cộng đồng chủ yếu là rừng nghèo. Cộng đồng chỉ tận thu được ít củi, trong khi đó, kinh phí cho hoạt động bảo vệ rừng rất lớn. Bên cạnh đó, hiện nay, giá các mặt hàng nông sản như hồ tiêu, cà phê, sắn… tăng cao, đã khiến người dân đổ xô phá rừng lấy đất canh tác”.
Trả lại rừng
Cùng với việc giao khoán rừng cho cộng đồng ở huyện Ea H’leo, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng giao khoán hàng ngàn hécta rừng ở huyện Ea Súp cho các hộ gia đình theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân nhận rừng được trồng xen cây nông nghiệp, cây dược liệu, được chăn nuôi gia súc dưới tán rừng, được hưởng lợi một phần sản phẩm khai thác từ rừng tự nhiên sau khi nộp ngân sách... Đây được xem là động lực nhằm khuyến khích nhân dân tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên, hàng ngàn hécta rừng ở đây sau khi giao cho hộ dân đã bị bỏ mặc như rừng... vô chủ. Nhiều hộ dân đã phá rừng ngay trên diện tích rừng được giao và phải chịu xử lý hình sự như vụ chặt phá 3ha rừng ở xã Ea Rốk, vụ hủy hoại 10,8ha rừng ở xã Ya Tmốt…
Không chỉ phá rừng, hàng trăm hộ dân ở huyện Ea Súp còn làm đơn xin trả lại rừng cho huyện. Điển hình, người dân ở 11/11 thôn thuộc xã Ea Lê xin trả hết 320ha rừng. Ông Phạm Văn Thước, Chủ tịch UBND xã Cư M’lanh, lo lắng: “Dân không nhận hoặc xin trả lại rừng khiến xã rất lo vì không có lực lượng, phương tiện, kinh phí để bảo vệ trong khi diện tích rừng do xã quản lý đến gần 9.000ha. Cư M’lanh mới giao được 231ha rừng cho 20 hộ, vừa rồi một số làm đơn xin trả, xã phải ra sức động viên bà con ráng nhận giùm”. Trong khi đó, UBND xã Cư Kbang cũng chưa biết giải quyết ra sao khi hàng trăm hộ dân trong xã trước đây được Công ty Lâm nghiệp Rừng Xanh giao rừng ở tiểu khu 215, 216 cũng đồng loạt xin trả lại.
Cũng như ở huyện Ea H’leo, nguyên nhân người dân huyện Ea Súp xin trả lại rừng là do phần lớn diện tích rừng giao cho dân đều là rừng nghèo kiệt, không có lâm sản phụ, đất đai quá xấu. Ông Nguyễn Hữu Bính (ở xã Cư Kbang, huyện Ea Súp), trăn trở: “Rừng giao cho chúng tôi quá xa, mỗi lượt đi về tốn cả trăm ngàn tiền xăng. Cây rừng chỉ to bằng bắp chân, không biết đến lúc nào mới khai thác được gỗ”.
Thực tế trên cho thấy, nhà nước cần hỗ trợ kinh phí, triển khai một chương trình khuyến lâm đủ mạnh với các loại cây trồng, vật nuôi thích hợp nhằm đảm bảo đời sống lâm dân, có như vậy việc giao rừng cho người dân và cộng đồng mới mong đạt hiệu quả.
CÔNG HOAN