Ngay xã Hương Đại (cũ), nay là thị trấn Vũ Quang, thuộc huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, gần bên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại về phía Tây Bắc vẫn còn hiện hữu một khu “rừng” nho nhỏ chủ yếu là cây gỗ lim cổ thụ đặc biệt quý hiếm, cành lá sum suê vươn cao sừng sững giữa đất trời.
|
Rừng gỗ lim cổ thụ này có diện tích không đáng kể, số lượng khoảng 30 cây và có tuổi thọ gần 100 năm (trong đó hơn 10 cây có đường kính phải 2-3 người ôm mới xuể (ảnh), cao trung bình hàng chục mét) phân bố quanh khu vực từ trụ sở Ban quản lý Khu bảo tồn Vườn quốc gia Vũ Quang đến dọc bờ sông Ngàn Sâu, dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.
Ông Phan Đức Cung, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, một trong những người sống lâu năm bên cạnh khu rừng gỗ lim, cho biết, cách đây gần 100 năm, có một đồn Pháp tên gọi Ba Hô Ly (dân địa phương quen gọi Bao Ơ Ly) về đóng chốt tại đây, sau đó phát hiện đất thổ nhưỡng rất tốt nên đã mang cây gỗ lim, cà phê, gỗ táu, sến, cùng một số loại cây gỗ quý khác về trồng… Tiếc thay, nay chỉ còn lại rừng cây gỗ lim đó thôi.
Được biết, vào năm 1995, khi Khu bảo tồn Vườn quốc gia Vũ Quang ra đời, toàn bộ rừng gỗ lim được chuyển giao cho khu bảo tồn quản lý, bảo vệ. Đến năm 2000, khi huyện Vũ Quang được thành lập, một phần rừng lim từ đường mòn Hồ Chí Minh lên phía Tây vẫn do khu bảo tồn quản lý, phần còn lại từ đường mòn về dọc bờ sông Ngàn Sâu, giao cho chính quyền xã Hương Đại (cũ) trực tiếp quản lý.
Từ đó đến nay, người dân địa phương luôn xem rừng gỗ lim “độc nhất” này giống như những cây linh vật vô cùng quý giá, góp phần tạo cảnh quan, môi trường sinh thái tuyệt đẹp cho cả một huyện miền núi. Nhiều năm qua, để bảo vệ khu rừng, người dân trong làng, trong xã Hương Đại (nay là thị trấn Vũ Quang) và thậm chí đến cả trong các dòng họ ở nơi đây đều có một quy ước chung “bất thành văn” là không ai được phép chặt phá, mua bán hoặc làm ảnh hưởng đến rừng lim, ai cũng phải có nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc rừng lim giống như tài sản riêng của mình vậy.
Anh Tuấn, nhân viên Khu bảo tồn Vườn quốc gia Vũ Quang, tâm sự: “Người dân sống gần đây, mặc dù đa phần không phải dân gốc, nhưng ai ai cũng quý trọng, giữ gìn cây lim ni lắm. Trước đây nhiều lần có lâm tặc, người lạ lượn lờ xung quanh khu rừng thám thính để tìm cách chặt gỗ lim đem đi tiêu thụ nhưng đều bị người dân phát hiện kịp thời truy đuổi ra khỏi địa bàn...”.
Nhiều bậc cao niên ở thị trấn Vũ Quang nhận định, ngày nay không chỉ ở các khu rừng của tỉnh Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên mà ngay đến cả rừng ở bên nước bạn Lào cũng rất khó tìm ra “rừng” cây gỗ lim cổ thụ đặc biệt giống như ở đây. Được biết, có thời các tay đầu nậu chuyên buôn gỗ đến ra giá mỗi cây gỗ lim ở Hương Đại là 30 - 50 triệu đồng nhưng dân ở đây từ chối thẳng.
DƯƠNG QUANG