* Gần 200.000ha rừng bỗng dưng “mất tích”
Ngày 9-12, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị sơ kết kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì.
Rừng giao cho doanh nghiệp bị chặt phá tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Công Hoan
Tây Nguyên mất hơn 300.000ha rừng
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, sau hơn 4 năm triển khai kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo chương trình của Chính phủ, ngành lâm nghiệp đã đạt được những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là về giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng xấp xỉ 1,5 lần, từ 4,2 tỷ USD năm 2011 lên 6,54 tỷ USD năm 2014 và ước sẽ đạt 6,8 - 7 tỷ USD trong năm 2015. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng thừa nhận một thực tế là kết quả thực hiện độ che phủ rừng toàn quốc đã không đạt được kế hoạch như mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2011 - 2015. Sau hơn 4 năm, độ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 39,7% năm 2011 lên dự kiến 40,73% năm 2015 - thấp hơn mục tiêu đã đề ra. “Nguyên nhân là do mặc dù diện tích rừng trồng tại nhiều địa phương đã tăng rõ rệt, có nơi tăng tới 13% như ở Bắc Kạn, nhưng diện tích rừng ở Tây Nguyên giảm mạnh nên tổng diện tích và tỷ lệ độ che phủ rừng cả nước không đạt yêu cầu” - ông Hà Công Tuấn cho biết. So với kết quả kiểm kê rừng năm 2013 tại 5 tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương cho thấy, tổng diện tích rừng bị giảm mất 157.959ha và tính chung cả giai đoạn thì tại khu vực Tây Nguyên giảm mất 318.000ha.
Thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát về giải trình lý do có số liệu diện tích rừng vênh nhau giữa điều tra năm 2013 và hiện nay, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết, trong 5 năm từ 2010 đến 2014 cả nước đã trồng mới được 1.181.000ha rừng nhưng tổng diện tích rừng bị mất là 773.000ha do các nguyên nhân gồm chuyển đổi theo quy hoạch của địa phương (như chuyển sang làm thủy điện, thủy lợi, khu công nghiệp, du lịch); do hoạt động khai thác và nạn phá rừng, do cháy rừng và các nguyên nhân khác... Tính ra, trong 5 năm qua diện tích rừng trên cả nước chỉ tăng thêm được hơn 408.000ha.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là hiện nay sau khi điều tra kiểm đếm thì phát hiện cả nước có tới gần 200.000ha rừng bỗng dưng “mất tích” so với số liệu báo cáo năm 2013, trong đó riêng khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm khoảng 70% với 135.000ha mà không giải thích được hoặc do báo cáo sai, không báo cáo. “Sở dĩ tỷ lệ độ che phủ rừng không đạt kết quả là do con số rừng mất tích này” - ông Nguyễn Bá Ngãi giải thích.
Hạn chế chuyển đổi đất rừng
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, trồng rừng và bảo vệ rừng giữ vai trò rất quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết về giảm 8% phát thải nhà kính vào năm 2030. Trong 5 năm qua, ngành lâm nghiệp cũng như công tác bảo vệ và phát triển rừng đã có những bước chuyển biến tích cực như tốc độ tăng trưởng gấp hai lần giai đoạn trước, giá trị xuất khẩu tăng 1,5 lần, công tác phòng cháy và chữa cháy rừng tiến bộ hơn, diện tích giao khoán rừng tăng từ 2,6 triệu lên 4,9 triệu ha, cả nước đã trồng được hơn 1 triệu ha rừng tập trung (đạt 87% kế hoạch), diện tích trồng rừng thay thế được đẩy mạnh hơn trong giai đoạn 2011 - 2015 làm thay đổi nhận thức của xã hội, hiện đã đảm bảo được 32% diện tích rừng thay thế...
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, công tác bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn những mặt hạn chế, tỷ lệ độ che phủ rừng không đạt mục tiêu 42% - 43% và kết quả không đồng đều giữa các địa phương, Tây Nguyên giảm tới hơn 300.000ha. Trong khi đó, nạn phá rừng do lâm tặc vẫn còn nhiều, chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Công tác đo đạc, kiểm kê vẫn còn mang tính thủ công nên cho số liệu chênh lệch về diện tích rừng, cần nhanh chóng chuyển sang kiểm kê đo đạc bằng bản đồ số để có số liệu thực, giúp đánh giá chính xác về diện tích trồng mới và chất lượng rừng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng hiện nay giá trị thu nhập từ rừng mới đạt trung bình 7 - 8 triệu đồng/ha là còn rất thấp, các mô hình thu nhập 30 - 100 triệu đồng/ha chỉ là số ít nên nhiều người dân vẫn chưa thể làm giàu được từ rừng. Để chương trình bảo vệ và phát triển rừng mang lại hiệu quả bền vững, cần nâng cao mức thu nhập cho người dân trồng rừng, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lâm nghiệp như nông nghiệp. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Doanh nghiệp muốn đầu tư thì phải có đất nhưng đây là bài toán khó. Mô hình phù hợp là khuyến khích doanh nghiệp vào thuê đất rừng của người dân thay vì nhà nước thu hồi để giao cho doanh nghiệp”. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cùng với đầu tư nguồn lực trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ... cần tiếp tục đầu tư trồng rừng ven biển vì đây là giải pháp rẻ nhất để ứng phó nước biển dâng và biến đổi khí hậu; kiểm soát chặt chẽ tình trạng chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác.
VĂN PHÚC