Rừng Nà - Căn cứ xanh trên cát trắng

Một nhà thơ nước ngoài đã từng viết: “Ở đâu có tiếng đại bác gầm, ở đó chim họa mi tắt tiếng hót”. Còn ở một vùng đất ven biển huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), mặc bom đạn như xé toạc không gian, từng đàn cò trắng vẫn sải cánh bay đi vào những sáng tinh mơ và trở về khi hoàng hôn xuống. Nơi đó là căn cứ rừng Nà, xưa từng che chở cho hàng ngàn lượt dân công hỏa tuyến, cán bộ cách mạng và người dân; nay vẫn róc rách nguồn nước như vô tận cho cả một vùng dân cư xã Đức Thạnh.
Rừng Nà - Căn cứ xanh trên cát trắng

Một nhà thơ nước ngoài đã từng viết: “Ở đâu có tiếng đại bác gầm, ở đó chim họa mi tắt tiếng hót”. Còn ở một vùng đất ven biển huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), mặc bom đạn như xé toạc không gian, từng đàn cò trắng vẫn sải cánh bay đi vào những sáng tinh mơ và trở về khi hoàng hôn xuống. Nơi đó là căn cứ rừng Nà, xưa từng che chở cho hàng ngàn lượt dân công hỏa tuyến, cán bộ cách mạng và người dân; nay vẫn róc rách nguồn nước như vô tận cho cả một vùng dân cư xã Đức Thạnh.

  • “Công sự” bất khả xâm phạm

Phía Đông huyện Mộ Đức những năm 1965, sau khi được giải phóng lại ác liệt hơn bao giờ hết. Những cánh rừng tự nhiên không bị chất khai quang triệt hạ đã trở thành căn cứ cách mạng an toàn.

Bà Võ Thị Huệ, 83 tuổi, người có công cách mạng - từng có thời gian dài hoạt động tại căn cứ rừng Nà, vẫn nhớ như in những ngày bì bõm lội bùn đi vận động nhân dân tham gia chống giặc, kể bằng những hồi ức như còn mới nguyên: “Có đận càn quét, ngụy huy động 30 xe tăng vây ráp dưới đất, gần chục chiếc máy bay trực thăng quần đảo trên trời, cây cối ngã rạp. Xe tăng địch lù lù tiến vào rừng Nà hòng quét trắng căn cứ cách mạng và san bằng khu rừng nhỏ nhoi ven biển. Tuy nhiên, chúng không lường hết trong lòng sâu rừng Nà là những vũng bùn sâu hoắm. Nên khi xe tăng tiến vào khoảng 10m đã bị ngập ngụa trong bùn, thế là hàng chục chiếc khác xúm lại để kéo ngược trở ra. Cuộc tấn công bị chặn đứng. Trực thăng sau khi quần đảo trên bầu trời với những họng súng đen ngòm chĩa xuống sát rạt nhưng cũng không phát hiện được gì vì có những hàm ếch, tầng tán cây rừng che chắn. Quân và dân ta đã lợi dụng địa thế này tiêu diệt cả một đại đội địch tại đồn Thi Phổ cũ, bắt sống tên trung úy đồn trưởng và thu toàn bộ vũ khí quân trang, quân dụng trong một trận địch đi càn, góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975”.

Nhờ có rừng Nà giữ nước nên những cánh đồng lúa ven rừng ở xã Đức Thạnh luôn cho năng suất cao.

Nhờ có rừng Nà giữ nước nên những cánh đồng lúa ven rừng ở xã Đức Thạnh luôn cho năng suất cao.

Rừng Nà trở thành căn cứ “xanh” vững chắc trên cát trắng, là công sự bất khả xâm phạm. “Nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, quân khu trong các chuyến công tác về các vùng địch tạm chiếm, chỉ đạo hoạt động cách mạng đã trú ẩn trong rừng Nà khi bị địch phát hiện chặn đường trở về. Rồi những dân công hỏa tuyến, bộ đội miền Bắc chi viện cho miền Nam, khi hành quân ngang qua rừng Nà bị địch chặn đánh cũng chọn căn cứ rừng Nà làm nơi trú chân, chờ tình hình ổn mới tiếp tục “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, bà Huệ nở nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt đã hằn vết chân chim.

  • Rừng sinh thái

Chiều tối, chúng tôi ghé căn cứ rừng Nà. Từng đàn cò trắng sau một ngày bay đi kiếm ăn đã trở về tổ. Những đàn trâu đủng đỉnh gặm cỏ ven đường biên của rừng Nà yên ả và thanh bình. Chị Lê Thị Hồng, 47 tuổi, đang quạt lúa trong sân nhà, khoe: “Vụ lúa năm nay lúa được mùa, bình quân mỗi sào 5 bao (khoảng 3 tạ). Nhờ có rừng Nà giữ nước tự nhiên, quanh năm tạo ẩm cho các cánh đồng xung quanh nên hầu như các vụ mùa ở đây chưa bị khô hạn, năng suất, sản lượng các loại cây lương thực cũng từ đó ổn định, đưa cuộc sống của người dân thoát khỏi đói nghèo”.

Các nhà khoa học tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận đây là khu rừng ngập nước nhưng tồn tại ở vùng đất cao ven biển, có 123 loài động vật, 52 loài thực vật (cây lấy gỗ, làm thuốc quý hiếm)... Trong đó, nhiều chim nước như cò, vạc... thường quần tụ, sinh sống với số lượng lớn lên đến hàng ngàn cá thể.

Để bảo vệ di tích lịch sử căn cứ rừng Nà, UBND xã Đức Thạnh đã giao các thôn có diện tích rừng xây dựng hương ước, cam kết không lấn chiếm, chặt phá rừng. “Trước đây có thời điểm người dân lấn chiếm rừng Nà để xây dựng nhà ở, canh tác trái phép; chặt phá cây rừng lấy gỗ, củi… khiến diện tích bị thu hẹp. May mắn, mấy năm qua, người dân đã có ý thức, tự nguyện bảo vệ nên diện tích rừng Nà phát triển trở lại. Nếu không có rừng Nà, Đức Thạnh sẽ thiếu nước sản xuất trầm trọng, thiệt hại do thiên tai sẽ rất lớn. Huyện đã quy hoạch, phân giới cắm mốc hành lang bảo vệ rừng Nà và đưa di tích này vào những điểm khai thác bền vững du lịch sinh thái”- Chủ tịch UBND xã Đức Thạnh Nguyễn Văn Nam cho biết.

Khu chiến tích rừng Nà khoảng 20ha - là rừng ngập nước tự nhiên, bao gồm 3 Nà, trải dài qua các thôn Lương Nông Bắc, Lương Nông Nam và Đôn Lương như một vành đai án ngự, phân ranh giữa hai khu Tây và Đông huyện Mộ Đức. Rừng Nà là lâm cấm của làng Thi Phổ Nhì ngày xưa (nay là xã Đức Thạnh).

Theo cách gọi cổ xưa của người dân địa phương, từ “Nà” có nghĩa là “Ruộng”, bởi rừng Nà gắn với diện tích đất canh tác xung quanh, có vai trò duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Giữa rừng Nà còn lại nhiều hố bom - di tích của những năm tháng chiến tranh khốc liệt, nay đã trở thành hồ cá, trữ nước tự nhiên quanh năm tạo ẩm cho các cánh đồng xung quanh. Nay rừng Nà được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục