Nhớ khi còn rất nhỏ, tôi được mẹ gửi về quê ngoại (Thái Thụy, Thái Bình). Tiếng sóng biển đêm ầm ào xa xa đã đi vào ký ức tuổi thơ… Giờ về thăm quê, ngoại nhìn tôi lắc đầu cười nói: “Cháu lạc hậu quá rồi. Giờ sóng biển đã lùi xa cho rừng xanh thế chỗ. Quê ngoại bây giờ chẳng những tránh được gió bão mà sự sống còn thêm trù phú”.
Lấn biển
… Từ rất xa xưa, dọc vùng biển Thái Thụy thi thoảng vẫn có những cánh rừng thưa thớt mọc trên các bãi bồi nhô cao do ngư dân trồng để chắn sóng và lấy củi đun nhưng chỉ cần một trận bão là ngã rạp. Năm 1994, dự án trồng rừng ngập mặn phòng ngừa thảm họa do Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch tài trợ được triển khai ở hai huyện ven biển là Thái Thụy và Tiền Hải thuộc tỉnh Thái Bình. Ban đầu, dự án không nhận được sự hợp tác của người dân vì không ai tin có thể trồng được rừng nơi biển bạc.
Để có thể thay đổi cách nhìn nhận của dân biển trước một việc làm mới, đúng là chẳng thể nói suông mà phải làm được để người dân nhìn thấy. Mặc những con sóng bạc đầu vỗ mạnh, những cây sú, cây vẹt bắt đầu bám đất. Màu xanh le lói. Màu xanh vươn xa… “Không thể tin nổi nơi biển bạc lại trồng được rừng” - bà Nguyễn Thị Mát, cư dân ở Thái Hòa Thái Thụy, nói.
Rừng chắn bão
Mỗi năm, cánh rừng một lan rộng, phủ kín và đuổi những con sóng bạc ra xa. Mùa gió bão cũng theo đó tan đi. Năm 2005, những cơn bão số 2, 6, 7 ồ ạt đổ về Thái Bình, chính các ngư dân ven biển không thể tin nổi sau đêm bão, những ngôi nhà ven biển vẫn vững vàng; nhiều đầm bãi nuôi thủy hải sản vẫn còn đó… Thấy cái lợi của rừng, hàng năm đến mùa trồng rừng, các hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên đua nhau trồng rừng. Anh Nguyễn Quang Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thụy Hải, cho biết: “Xã Thụy Hải đã trồng được 600 ha rừng ngập mặn. Các năm trước, mỗi năm chúng tôi trồng chừng 40ha. Riêng năm nay do điều kiện thời tiết thuận lợi, chúng tôi dự kiến trồng 60ha. Mùa hè rồi, chúng tôi đã trồng xong 30ha vẹt bằng chính quả vẹt được chọn lựa từ những cánh rừng vẹt già. 30ha bần còn lại chúng tôi sẽ trồng vào mùa đông. Công tác bảo vệ rừng cũng được chúng tôi chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân… Nếu như trước kia bà con còn vào rừng chặt củi về đun thì bây giờ không còn hiện tượng đó nữa”.
Nguồn lợi từ rừng
Mỗi năm lấn dần ra biển. Một vùng khí hậu sinh thái cân bằng được hình thành. Nhờ đó, dưới mỗi cánh rừng là những sự sống mới hình thành, phát triển khi cò, diệc, các loài chim tìm về trú ngụ hay cua, ếch, cá sinh sôi.
Tại nhà anh Phạm Văn Tuân, buổi sáng nước biển lên cũng là lúc công việc đặt xời, bắt cá của anh Tuân kết thúc. 2 năm nay, đợi chiều đến, anh Tuân gánh hàng trăm chiếc xời vào rừng ngập mặn. Bây giờ nước biển rút, anh Tuân đặt xời ở các vũng. Khi gần sáng, anh Tuân bắt đầu đi thu xời. Có ngày, anh bắt được 2 - 3kg cá bớp. Cá bớp có giá trị kinh tế cao, mỗi ký tới 120.000 - 130.000 đồng. “Một tháng tôi đi chừng 15 - 16 buổi - Anh Tuân kể - Công việc này phụ thuộc rất nhiều vào con nước. Ở nhà, vợ tôi cũng đi bắt cáy trong rừng, không những đủ ăn mà còn bán, kiếm được vài chục ngàn đồng…”.
PHẠM HỒNG THINH