Rút 3 dự án luật ra khỏi dự kiến chương trình ​kỳ họp thứ 4 của Quốc hội

Chiều 18-9, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự kiến nội dung kỳ họp thứ 4 của Quốc hội với nhiều điểm mới.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Chiều 18-9, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự kiến nội dung kỳ họp thứ 4 của Quốc hội với nhiều điểm mới.

Cụ thể, Tổng thư ký đề nghị rút 2 dự án luật ra khỏi dự kiến chương trình: Luật Hành chính công và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp để tiếp tục hoàn thiện. Như vậy, Quốc hội sẽ cho ý kiến về 10 dự án luật thay vì 12 dự án luật.

Tuy nhiên, sau đó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng: Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật thuế bảo vệ môi trường, thì “tôi hiểu là Thường vụ bác rồi, nên phải là rút 3 dự án chứ không phải 2”. Điều này được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án luật trên) xác nhận, do dự án còn nhiều ý kiến khác nhau, trong khi thời gian chỉ còn hơn 1 tháng, sợ rằng cơ quan soạn thảo chưa chỉnh lý được căn cơ, nên 2 cơ quan này đã thống nhất để dự án này đến kỳ họp tháng 5 năm sau.

Bên cạnh đó, bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét Báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Một số nội dung tuy không được trình bày tại hội trường, nhưng sẽ được gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu bao gồm kết quả giải quyết thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất; thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để xử lý việc quá tải của sân bay và giao thông khu vực xung quanh sân bay; các sự cố liên quan đến tàu vỏ sắt, giải pháp khắc phục.

Riêng Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, căn cứ kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng, sau khi xem xét tình hình chuẩn bị dự án tại phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc bổ sung nội dung này vào dự kiến chương trình kỳ họp. Nội dung này chưa được bố trí trong dự kiến chương trình gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 23 ngày. Trong đó, xây dựng luật: 10,75 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác: 10,75 ngày; khai mạc, bế mạc: 1,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 23-10-2017 và dự kiến bế mạc vào 22-11-2017.

Để đảm bảo thời gian nghiên cứu tài liệu của đại biểu Quốc hội trước khi về dự kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo đổi mới cách thức chuẩn bị văn bản tóm tắt, trong đó cần chú trọng những vấn đề cơ bản để bảo đảm thời gian trình bày các nội dung tại hội trường không quá 15 phút/tờ trình, báo cáo (trừ các báo cáo về kinh tế - xã hội, giám sát chuyên đề, báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật) để dành thời gian cho đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận.

Đưa ra nhận định “tại một số phiên họp của kỳ họp vẫn còn tình trạng vắng nhiều đại biểu Quốc hội, ảnh hưởng nhất định chất lượng của phiên họp và kết quả biểu quyết thông qua của Quốc hội”; Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các vị Trưởng Đoàn quán triệt đến đại biểu Quốc hội trong Đoàn nâng cao hơn nữa trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước để tham dự đầy đủ các phiên họp của Quốc hội”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tán thành đề nghị này. Bà Nga cho rằng, ngoài những đại biểu vắng mặt vì lý do bất khả kháng, vẫn có những đại biểu nghỉ và không bị ai phê bình cả. “Đề nghị các đoàn quán triệt tới các đại biểu và cân nhắc việc thông báo công khai trên bảng điện tử các đại biểu vắng họp để cử tri được biết”, bà Lê Thị Nga nói.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý đến việc cân đối vốn cho một số dự án có quy mô vốn lớn, trong đó có dự án chống ngập của TPHCM. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị bố trí truyền hình trực tiếp phiên họp về ngân sách nhà nước, để người dân được biết tiền thuế của họ được sử dụng như thế nào.

Tin cùng chuyên mục