Gần 50 năm trôi qua, kể từ ngày chiến dịch Plei Me - trận đầu đánh Mỹ của quân đội ta trên chiến trường Tây Nguyên kết thúc, dấu tích về một vùng chiến địa ác liệt năm nào hầu như đã hoàn toàn biến mất ở huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai). Plei Me hôm nay trù phú và màu xanh ngắt của bạt ngàn trụ tiêu trĩu quả, những vườn cao su tiểu điền, những rẫy cà phê..., kiêu hãnh nối đuôi nhau trên những sườn đồi.
Đã mấy mươi năm trôi qua nhưng già Rơ Lan Kốt, xã Ia Pia, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) vẫn không thể nào quên những ngày sát cánh cùng anh hùng Kpă Klơng tham gia trận đánh quyết định, tiêu diệt quân địch ở đồn Plei Me. Tuổi gần 80 mùa rẫy, tấm lưng đã còng theo thời gian nhưng câu chuyện về chiến dịch Plei Me của già Kốt vẫn rành rọt như chỉ vừa mới diễn ra ngày hôm qua.
“Giặc đến làng Hát, chúng dùng roi quất túi bụi vào đám đàn ông, đe nẹt lũ làng không được theo, hay giúp đỡ cho cách mạng, nếu không sẽ bị giết. Mặc chúng uy hiếp, không những làng mình mà các làng Bót, Ngó, H’lú, Pia, Nớt, Khóp, đều đồng lòng chuẩn bị kháng chiến. Ngày ấy, mỗi làng có khoảng 100 dân, không chỉ đàn ông cầm súng chiến đấu mà ngay cả đàn bà, ông già cũng tham gia vót chông, gùi đạn, cán thương, góp lương thảo cho bộ đội. Địch biết nên điên cuồng bắn phá, đốt cháy tan hoang những ngôi làng. Chiến sự ác liệt nhưng người dân vẫn kiên quyết bám trụ với núi rừng, nhiều người đã anh dũng hy sinh...”, già Rơ Lan Kốt kể.
Chiến dịch Plei Me kết thúc thắng lợi vào một ngày cuối tháng 11-1965. Núi rừng, làng mạc, nương rẫy của bà con đều tan hoang, xơ xác, cả một vùng chiến trường rộng lớn đầy rẫy bom đạn, phế tích của chiến tranh. Giặc Mỹ xâm lược không còn, từ trong rừng, người dân các làng Hát, Lũ, Pốt... lũ lượt kéo nhau trở về làng cũ xây dựng lại cuộc sống. Ngay trong vùng chiến địa ác liệt, người dân đã mạnh dạn đưa các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su... về trồng. Dưới bàn tay cần cù lao động, không quản ngại khó khăn của người dân, Plei Me đã thực sự hồi sinh, trở thành một vùng đất màu mỡ và trù phú.
Dọc theo tỉnh lộ 665, từ xã Ia Pia vào xã Ia Ga (trận địa Plei Me cũ, thuộc huyện Chư Prông) nay đã ngút ngàn màu xanh của cao su, cà phê; những vườn tiêu trĩu quả, rẫy bắp, rẫy mì liên tiếp; tiếng lục lạc khoan thai của những đàn bò đông đúc đi về dưới nắng chiều... Ở đây, hầu như nhà nào cũng có ít nhất vài trăm trụ tiêu, mấy hécta cà phê, bắp lai, vài con bò kéo... Đặc biệt, vài năm trở lại đây, số triệu phú nông dân ở hai xã Ia Pia, Ia Ga xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó các tỷ phú Nguyễn Văn Tập, Nguyễn Văn Mỹ, Nguyễn Văn Du, Vũ Anh Trung... có thu nhập hàng năm lên đến vài tỷ đồng.
Có được thành quả trên là nhờ có sự chuyển dịch cây trồng đúng hướng, người dân bỏ thói quen trồng lúa rẫy, giống bắp, mì kém năng suất, thay vào đó là giống bắp, mì cao sản và cây công nghiệp dài ngày. Kể về chuyện đổi đời của gia đình mình, anh Siu Dip, dân tộc Jrai ở làng Pia, xã Ia Pia cho biết: “Gia đình mình có 5 sào đất vườn đồi. Trước đây, do không nắm bắt được kỹ thuật trồng trọt nên mình chỉ trồng các cây ngắn ngày như mì, khoai, bắp... và hiệu quả không cao. Nhiều năm liền, cái bụng của vợ con mình không được no. Cách đây vài năm, được sự hỗ trợ của cán bộ xã, vợ chồng mình đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển sang chuyên canh trồng hồ tiêu. Nhờ hồ tiêu, gia đình mình không còn lo cái ăn, cái mặc nữa. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, vườn tiêu của nhà mình thu được khoảng 5 tấn hạt. Mình dự định sau khi trang trải các chi phí sinh hoạt, số tiền còn lại sẽ mua một chiếc xe hơi rẻ tiền để thuận tiện đi lại”.
Trở lại Plei Me hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được đi trên những con đường trải nhựa phẳng lì. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà kiên cố với những kiểu kiến trúc hiện đại mọc lên san sát. Ngạc nhiên hơn, tuy ở vùng sâu, vùng xa nhưng Ia Pia có hẳn một salon ô tô hoành tráng với nhiều chủng loại xe lên đến tiền tỷ và việc người dân ở đây sở hữu những “con xe” bóng loáng không còn là chuyện hiếm. Kinh tế khá giả nên chuyện học hành của con em ở đây rất được người dân quan tâm. Phần đông học sinh trong xã sau khi tốt nghiệp cấp 2 đều được cha mẹ cho theo học cấp 3, rồi cao đẳng, đại học ở TP Pleiku hay vào tận TPHCM...
Ia Ga và Ia Pia hôm nay cơ bản không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, điện lưới quốc gia kéo đến từng hộ gia đình, các làng đều có lớp học đảm bảo trẻ em được đi học đúng độ tuổi, người dân ốm đau đã biết đến trạm y tế, công trình thủy lợi Ia Ga, suối Tô (Ia Pia) đảm bảo nước tưới tiêu cho các diện tích cây trồng trong xã...
Ông Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch UBND xã Ia Pia hồ hởi khoe: “Những con đường nhựa mà các nhà báo vừa đi qua là do Nhà nước và nhân dân cùng làm đấy. Chỉ riêng năm 2011 - 2012, người dân đã đóng góp gần 2 tỷ đồng làm 5,8km đường nhựa. Ngoài ra, bà con còn đóng góp hơn 800 triệu đồng kéo 5,5km đường dây điện chiếu sáng, hơn 300 triệu đồng đóng góp xây dựng nông thôn mới...”. Nhờ phát huy tinh thần cách mạng, quyết tâm biến chiến trường xưa thành điểm mạnh về kinh tế của chính quyền và nhân dân trong xã, Plei Me năm xưa đã thật sự thay da đổi thịt, vươn mình ngay trên chính vùng đất từng được mệnh danh là “vùng đất chết”.
Đức Trung