Sách hè 2010 - Tín hiệu vui

Sách hè 2010 - Tín hiệu vui

Gần 10 năm trở lại đây, mỗi lần đến hè là những người có lòng với văn hóa đọc lại thở dài. Thị trường sách truyện tranh phát triển mạnh mẽ nhưng lại vắng bóng sách trong nước, chủ yếu là sách dịch nước ngoài. Thậm chí, có những năm hoàn toàn không có một tác phẩm trong nước nào góp mặt. Hè 2010, dù sách dịch vẫn chiếm đa số nhưng đã xuất hiện những tín hiệu vui khi đã có những tác phẩm hay trong nước đến với bạn đọc trẻ.

Truyện tranh danh tác - Điểm nhấn mới lạ

Hè 2010, Công ty Văn hóa Phan Thị, đơn vị duy nhất hiện nay có thể nói là thành công khi làm truyện tranh, đã giới thiệu một dòng sản phẩm mới khá đặc biệt: Bộ truyện tranh “Danh tác Việt Nam” dựa theo các tác phẩm văn học nổi tiếng trong nước. Tác phẩm đầu tiên có nhan đề Chí Phèo do nhóm họa sĩ B.R.O thực hiện, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao.

Ý tưởng thực hiện loại truyện tranh dựa theo những tác phẩm văn học nổi tiếng thực ra không phải là mới lạ. Trước đó, tại Việt Nam đã xuất hiện bộ truyện tranh chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới do các họa sĩ Hàn Quốc thực hiện (NXB Kim Đồng), hay bộ truyện tranh Khoa học lý thú do NXB Trẻ mua bản quyền từ Đức… Ngay Công ty Văn hóa Phan Thị vốn cũng thành danh từ một bộ truyện tranh dựa vào các mẩu truyện truyền kỳ về các vĩ nhân trong lịch sử đất nước với nhan đề Thần đồng Đất Việt.

Tuy nhiên, truyện tranh chuyển thể từ các tác phẩm văn học trong nước lại rất ít ỏi. Trong bối cảnh đó, “Danh tác Việt Nam” xuất hiện nhanh chóng trở thành một điểm nhấn lạ trên thị trường truyện tranh hiện nay.

Ưu điểm của loại sách này hầu như ai cũng thấy. Từ trường học, xã hội liên tục lên tiếng báo động về việc thiếu nhi, thiếu niên ngày nay ít đọc sách văn học. Ngược lại, truyện tranh trở thành sản phẩm đọc được bạn đọc trẻ quan tâm. Kết hợp truyện tranh với sách văn học giúp bạn đọc trẻ tiếp cận các danh tác văn học nước nhà.

Nỗi lo nguyên bản

Cũng như với các sản phẩm “danh tác rút gọn”, người ta lo sợ sau chuyển thể, truyện tranh sẽ phá hỏng cấu trúc của tác phẩm gốc vốn đã khẳng định giá trị văn học. Thế nhưng, truyện tranh không được xem hoàn toàn là văn hóa đọc mà là sản phẩm lai giữa văn hóa đọc và văn hóa nhìn. Truyện tranh vừa có đặc thù của sách với câu chữ miêu tả lại vừa có ưu điểm của nhìn với hình ảnh thể hiện. Thậm chí, với truyện tranh hiện đại, yếu tố điện ảnh còn được áp dụng tạo hiệu quả thị giác mạnh đến người đọc-xem. Chính vì thế, truyện tranh không phải bản tóm lược nội dung như loại sách rút gọn mà được xem là sự biến đổi hoàn toàn hình thức thể hiện so với tác phẩm gốc. 

Trong Chí Phèo, việc chỉnh sửa một ít của nguyên tác cũng là điều không thể tránh khỏi. Điển hình như phần mở đầu trong nguyên tác là cảnh Chí Phèo chửi cả làng Vũ Đại, trong truyện tranh lại là cảnh đôi vợ chồng nông thôn nhặt được cậu bé trai bị bỏ rơi tại lò gạch cũ. Đây là đoạn miêu tả thân thế của Chí Phèo mà trong nguyên tác sau này mới nhắc đến.

Lý giải điều này, B.R.O cho rằng như thế bạn đọc trẻ sẽ dễ tiếp thu hơn khi biết rõ “đây là ai và tại sao hắn xuất hiện tại làng Vũ Đại”, trình tự thời gian dễ hiểu hơn dù thiếu đi sự ấn tượng như trong nguyên tác. Tuy nhiên, theo khẳng định của bà Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Phan Thị, sự thay đổi như vậy là rất ít, truyện tranh Chí Phèo cũng như các tác phẩm trong bộ truyện tranh “Danh tác Việt Nam” đều cố gắng tuân thủ những gì nhà văn miêu tả.

Chí Phèo là truyện ngắn nên chuyển thể vừa gọn trong một tập truyện tranh. Các tác phẩm sau này dự kiến sẽ dài tập hơn như Tắt đèn gồm 2 tập, Giông tố dự kiến 4 tập… Đặc biệt, có trường hợp lại thể hiện theo dạng tuyển tập như truyện tranh Tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam.

Truyện tranh “Danh tác Việt Nam” đã mang đến cho thị trường truyện tranh trong nước một làn gió lạc quan. Hy vọng  “Danh tác Việt Nam” sẽ làm được điều như Thần đồng Đất Việt đã làm, giúp bạn đọc trẻ tiếp cận từ một góc độ khác các tác phẩm văn học nổi tiếng của đất nước.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục