Sách Lịch sử lớp 6, viết cho ai?

Đọc sách Lịch sử lớp 6 của Bộ GD-ĐT (tái bản lần thứ năm), tôi không nghĩ đó là sách dành cho đối tượng học sinh lớp 6. Thiết nghĩ, ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới này, để các em hiểu được “học lịch sử là để không quên cội, không mất nguồn” đã là quý lắm rồi. Chẳng có lý do gì chúng ta lại cứ rập khuôn cứng nhắc khi bắt các em phải học những kiến thức hàn lâm mà bản thân các em khó hiểu được.

Cụ thể, ở ngay Chương mở đầu, Bài 1: “Sơ lược về môn Lịch sử”, ngay phần đầu tiên các em đã được giới thiệu: “Lịch sử là gì?” với cách viết khó hiểu so với lứa tuổi của các em: “Con người, cây cỏ, mọi vật xung quanh ta đều sinh ra, lớn lên và biến đổi. Xã hội loài người cũng vậy. Cái gì các em thấy ngày hôm nay đều trải qua những thay đổi theo thời gian, nghĩa là đều có lịch sử”. Sau đó được chốt lại như sau: “Lịch sử là những gì đã diễn ra ở trong quá khứ.

Lịch sử loài người mà chúng ta học là toàn bộ những hoạt động của con người từ khi xuất hiện đến ngày nay”. Tiếp đó là một câu hỏi mở in đậm (màu xanh): “Có gì khác nhau giữa lịch sử của một con người và lịch sử xã hội loài người?”. Tôi… rùng mình, bởi đó là những kiến thức nằm ngoài khả năng nhận thức của các em và các em sẽ học thuộc lòng giống như con vẹt, rồi sau đó sẽ lại “trả” hết lại cho các thầy cô. Thậm chí, những kiến thức này còn vô tình tạo cho các em tâm lý hết sức tai hại là: sợ học môn lịch sử!

Sự hàn lâm thái quá của cuốn sách không chỉ có vậy. Trong phần thứ hai: “Học lịch sử để làm gì?” là một bức ảnh được ghi chú “Hình 1: Một lớp học ở trường làng thời xưa” và một câu hỏi mở in đậm (màu xanh) như sau: “Nhìn lớp học ở hình 1, em thấy khác với lớp học ở trường em như thế nào? Em có hiểu vì sao có sự khác nhau đó không?”. Thực ra câu hỏi này chẳng có gì liên quan đến mục đích của việc “học lịch sử để làm gì” nhưng nếu dừng lại ở câu hỏi thứ nhất thì có thể chấp nhận được. Cái khó cho các em là việc bắt phải phân biệt “sự khác nhau” gắn liền với hai “hình thái kinh tế - xã hội” ở hai giai đoạn lịch sử cụ thể thì làm sao các em phân biệt nổi?

Trong bài thứ hai của Chương mở đầu: “Cách tính thời gian trong lịch sử”, làm sao học sinh lớp 6 có thể nhìn vào bức tranh “Một lớp học ở trường làng thời xưa” (ở hình 1) và bức tranh “Bia Tiến sĩ (Văn Miếu – Quốc Tử Giám)” (ở hình 2) của cuốn sách này mà “có thể nhận biết được trường làng hay tấm bia đá dựng lên cách đây bao nhiêu năm” trong khi tài liệu chẳng hề có một thông tin cụ thể nào của hai bức ảnh. Phải chăng chúng ta đang làm khó các em, làm khó cả người dạy và cha mẹ các em?

Tóm lại, sách giáo khoa Lịch sử 6 là để phục vụ cho học sinh lớp 6 chứ không phải để cho những đối tượng xã hội khác. Từ phần hai (Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ X) của sách này tuy đã khá tập trung và hệ thống vào lịch sử dân tộc nhưng cần chú trọng đến đối tượng của cuốn sách. Để các em có thể hiểu được “học lịch sử là cái gốc của một dân tộc, một con người” thì việc biên soạn sách cần linh hoạt và khoa học hơn. Rất mong những người làm công tác biên soạn sách giáo khoa lịch sử chú ý đến những ý kiến này.

CAO NGỌC QUỲNH
(Đại học KHXH-NV TPHCM)

Tin cùng chuyên mục