Vài năm trở lại đây, thú chơi chè cổ nở rộ tại nhiều địa phương trong nước. Các “thợ săn” đã lặn lội lên tận vùng rừng núi ở cao nguyên Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) săn lùng chè cổ về tập kết dọc quốc lộ 20 để bán, tạo thành một “phố” chè cổ trải dài hàng cây số.
Công phu săn “cụ” chè
Những ngày giáp Tết Quý Tỵ, tôi làm chuyến hành trình gần trăm cây số từ Đà Lạt về cao nguyên Di Linh. Đây là nơi tập trung các đồn điền chè của các ông chủ người Pháp từ gần trăm năm trước, nay nhiều cây chè còn sót lại, trở thành mục tiêu mà các tay săn chè cổ tìm đến.
Anh Nguyễn Quang Tuyền, một người săn chè cổ có kinh nghiệm tại thôn 1, xã Lộc An (huyện Bảo Lâm), cho biết, vài năm trước, vùng Lộc An này vẫn còn khá nhiều chè cổ, nhưng bây giờ hiếm lắm, muốn tìm được gốc chè vài chục năm tuổi thì phải lùng tận vùng Tân Lâm, Tân Thượng (huyện Di Linh) hoặc vùng Minh Rồng (huyện Bảo Lâm). Còn những cây trăm tuổi năm thì mười họa, may mắn lắm mới gặp. Sau khi tìm được gốc chè ưng ý, các tay chơi thỏa thuận giá cả với chủ vườn, rồi thuê nhân công đến đào.
Một cây chè cổ thường có bộ rễ ăn rộng từ 1 - 2m, nên việc đào gốc phải cẩn thận, không để đứt rễ thì chè mới sống lâu. Vì vậy, để đào được một cây chè cổ phải mất ít nhất 2 ngày công, còn những cây lớn, địa hình khó phải huy động 7 - 8 người đào một ngày cho xong, vì nếu đào dở dang để qua đêm giữa vườn có thể bị bốc hơi. Đào xong, người ta bó bầu rễ, chờ ra rễ con rồi mới bung ra cho vào chậu kiểng.
Săn chè đã khó, chăm sóc chè cổ cũng hết sức công phu, vì không khéo thì chỉ chơi được thời gian ngắn là “cụ” chè… qua đời. Theo anh Tuyền, ngoài việc phải giữ đất gốc, người ta thường cho thêm vào gốc chè một ít xơ dừa thì cây mới nhanh bén rễ, nhưng thường cũng phải mất 5 - 8 tháng cây mới hồi lại. Ngoài ra, tùy vào mục đích người chơi có chế độ chăm sóc khác nhau. Nếu để làm kiểng thuần túy chỉ cần lên lịch tưới nước, bón phân đều cho chè là được, còn nếu vừa chơi kiểng vừa hái đọt uống phải có chế độ chăm sóc đặc biệt hơn.
Chè cổ về xuôi
Cách đây khoảng 3 năm, phong trào chơi chè cổ tại Lộc An chỉ mang tính tự phát, người dân mang chè về nhà chưng, rồi khách qua đường thấy đẹp ghé mua. Còn bây giờ, dọc tuyến quốc lộ 20 từ Lộc An đến thành phố Bảo Lộc đã hình thành phố chè cổ thực sự với hàng chục cơ sở kinh doanh chè cổ chuyên nghiệp. Hai bên đường, chè cổ đủ độ tuổi và kiểu dáng được chưng san sát để giới thiệu, chào mời khách. Ông Hoàng Điệp (chủ cơ sở cây kiểng Thủy Điệp, xã Lộc An) cho biết không chỉ khách TPHCM, các tỉnh phía Nam mà ở tận Hà Nội cũng vào đây tìm mua chè cổ. Một số khác được người dân tại chỗ mua gửi đi tặng.
Qua tìm hiểu, giá một gốc chè ở vườn nhiều lúc chỉ vài triệu đồng nhưng khi mang về cho vào chậu lên đến vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng. Hiện ở phố chè cổ này, hầu như cơ sở nào cũng có một ít hàng độc, còn lại chủ yếu là loại chè 30 - 40 năm tuổi, loại này giá khoảng 2 - 3 triệu đồng/gốc và hiện đang bán chạy nhất. Những gốc chè 70 - 80 năm tuổi trở lên có giá vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Ghé vườn kiểng Cát Tường (thôn 3, xã Lộc An), tôi được ông chủ Phạm Văn Kiệt khoe vừa bán được mấy gốc chè giá trên trăm triệu, có cây đến 150 triệu đồng. Nhưng đó chưa phải là giá đỉnh, mà ở đây còn một gốc chè cổ Cát Tường được ông Kiệt sưu tầm 3 năm trước, hiện chào giá đến 500 triệu đồng. Ông Kiệt cho biết, sở dĩ chè cổ được chuộng là vì ngoài mục đích chưng làm cảnh, người chơi chè cổ có thể hái đọt pha trà. Theo một số tài liệu, đọt chè cổ có hàm lượng chất Eceg cao gấp nhiều lần chè bình thường, đây là loại chất có thể giải độc cho cơ thể.
Rời cao nguyên Di Linh khi những chuyến xe cuối năm hối hả mang lộc rừng về xuôi, trong tôi còn đọng lại hương vị ngọt chát của bát nước chè xanh nguyên chất hãm từ đọt chè cổ Lộc An.
NAM VIÊN