Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 đang diễn ra tại Nhà hát Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu. Và ngay từ khi cuộc thi chính thức khởi động, công bố danh sách các đơn vị, vở diễn, giới làm nghệ thuật đã bức xúc trước tính thiếu chuyên nghiệp của cuộc thi này.
Đến nay, khi cuộc thi đã đi được hai phần ba quãng đường, nhưng dư luận và những bất bình, âu lo của nhiều người trong ngành sân khấu vẫn không thôi lắng xuống. Không ít đạo diễn trẻ đem vở đi dự thi mà hồi hộp, băn khoăn vì mang tâm lý phải “đối đầu” với những vở diễn do các NSND, NSƯT - những nghệ sĩ, đạo diễn lão thành kỳ cựu đang là thành viên ban giám khảo của cuộc thi dàn dựng. Không chỉ vậy, trong số 5 vị giám khảo, đã có hết hai vị đảm nhiệm vai trò đạo diễn của 2, 3 vở cải lương góp mặt trong cuộc thi. Chưa kể, theo thông tin của những người trong giới, có giám khảo chính tay dựng vở đi thi, nhưng để tác phẩm có thể danh chính ngôn thuận lên sân khấu thi tài với các vở khác, vị giám khảo ấy đã để cho một đạo diễn trẻ đứng tên giùm.
Chuyện vừa làm thí sinh dự thi, vừa là người thầy chấm điểm trong một cuộc thi nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp toàn quốc như thế liệu có giữ được tính công bằng cho các đơn vị tự lực cánh sinh, nỗ lực làm việc? Dẫu rằng trong cuộc thi vẫn có sự tham gia của những gương mặt diễn viên, nghệ sĩ trẻ của các đoàn tham gia biểu diễn, nhưng nhìn vào mặt bằng tổng thể, nếu chỉ có nghệ sĩ, diễn viên trẻ không thôi thì chưa đủ. Trong danh sách 33 vở diễn của 27 đơn vị tham gia cuộc thi năm nay, bên cạnh sự góp mặt của nhiều tên tuổi NSND, NSƯT quen thuộc, còn thấy rõ sự góp mặt dày đặc của hai tên tuổi: Hoàng Song Việt và Đăng Minh - ở vai trò chuyển thể cải lương và tác giả. Ở góc độ phát triển sân khấu cải lương, điều này cho thấy sự thiếu hụt lực lượng đạo diễn sân khấu trẻ, đội ngũ làm công tác chuyển thể cải lương có thực lực có thể đảm nhiệm vai trò kế thừa.
Quanh đi quẩn lại, số tác phẩm dự thi lên đến hàng chục, nhưng xét cho cùng cũng có bấy nhiêu đó bàn tay tác giả, đạo diễn dàn dựng. Như thế, tính học hỏi kinh nghiệm và cả sức sáng tạo tươi mới, đa dạng ít nhiều cũng bị gói gọn trong một phạm vi hạn hẹp, trong một vài phong cách dàn dựng, đạo diễn đã được định hình theo thời gian. Phải chăng vì những tấm huy chương, những giải thưởng được xem nặng trong hầu hết các cuộc thi tài luôn đè nặng tâm lý người làm nghề, khiến không ít đơn vị nghệ thuật cứ chăm bẵm chọn tác phẩm của người nổi tiếng trong nghề để đầu tư dàn dựng, chọn những đạo diễn kỳ cựu để đạt được chất lượng nghệ thuật, dễ rinh giải thưởng. Vậy thì, tính chất giao lưu, học hỏi kinh nghiệm mà cuộc thi nhắm đến sẽ mãi không thể đạt được và sân chơi mang tính chuyên nghiệp, mở rộng toàn quốc cũng sẽ chỉ được gói trong một nhóm nghệ sĩ tên tuổi, trở thành một sân chơi độc quyền cho một nhóm người.
Nghệ thuật sân khấu cải lương là lĩnh vực đang chịu nhiều áp lực trước sự tấn công mạnh mẽ của các loại hình giải trí hiện đại, giữa thời buổi làm nghệ thuật đầy khó khăn và nhiều thách thức hiện nay. Thực tế, chỉ có sự thay đổi quan điểm làm nghề từ các cấp quản lý văn hóa đến người làm công tác quản lý nghệ thuật, các đơn vị nghệ thuật, may ra các sân chơi mang đậm chất nghệ thuật không phải chỉ dành cho một số người trong làng nghệ thuật sân khấu như điều đang diễn ra hiện nay.
BẢO LÂM