“Sân chơi” khắc nghiệt

Gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Theo lộ trình, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức thành lập vào ngày 31-12-2015. Khi trở thành một khối kinh tế thống nhất, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ 7 toàn cầu với 640 triệu dân, GDP 2.400 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 7,36% kim ngạch xuất khẩu và 8,5% kim ngạch nhập khẩu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, AEC mở ra cơ hội tiếp cận thị trường mới với việc loại bỏ các rào cản thương mại và dịch vụ. Quy tắc xuất xứ linh hoạt, hiện đại, tính minh bạch hóa cao là một số trong nhiều yếu tố thuận lợi hóa. Đơn cử, trong ASEAN có “Chứng nhận xuất xứ hàng hóa” với 60% sản phẩm được sản xuất từ ASEAN thì được chứng nhận là sản phẩm trong nội khối. Vì vậy, sản phẩm được hưởng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do trong ASEAN, nhất là thương mại liên quan đến hội nhập kinh tế. Với Việt Nam, khi AEC thành lập, nền kinh tế trong nước có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó, tiếp cận thị trường của Việt Nam sẽ được cải thiện bởi môi trường thương mại hiệu quả, minh bạch và dễ dự đoán, cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thiểu chi phí cho các giao dịch thương mại quốc tế sẽ góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các DN nâng cao khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, việc cắt giảm thuế quan cũng là thuận lợi giúp DN trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh. Thuế suất trong ASEAN sẽ về từ 0% - 5%, nếu sản xuất để xuất khẩu sẽ không phải chịu thuế suất hoặc thuế suất thấp; nhập khẩu máy móc cũng không phải chịu thuế suất. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc hạ giá thành, tăng chất lượng sản phẩm cũng như tăng tính cạnh tranh của hàng hóa. “Nhìn chung, AEC là một cộng đồng kinh tế hoàn chỉnh, hội nhập đầy đủ, dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề và đầu tư sẽ được dịch chuyển tự do. Khuôn khổ pháp lý sẽ được quy chuẩn hóa. Từ đó, DN có thể kinh doanh dễ dàng hơn trên toàn khu vực. Đương nhiên, ngay từ bây giờ các DN cần phải đề ra một chiến lược cấp khu vực để tận dụng hết lợi thế từ môi trường đầu tư mới. Bởi ngoài cơ hội, hàng loạt thách thức trong AEC sẽ tạo nên rào cản, loại bỏ những DN yếu”, ông Hải nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, để tận dụng các cơ hội mà AEC mang lại, bản thân các DN cần chủ động điều chỉnh để thích nghi với các điều kiện mới, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tận dụng tốt các cơ hội mà hội nhập kinh tế khu vực mang lại. Bởi đây là một quá trình sàng lọc chọn lựa khắc nghiệt và lâu dài, chỉ những DN có khả năng thích ứng nhanh mới có thể tồn tại và phát triển.

Nhóm chuyên gia kinh tế nghiên cứu về AEC và những tác động đến thương mại quốc tế của Việt Nam thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, để hội nhập AEC hiệu quả, ngoài việc phải có nhân sự chuyên trách xây dựng thị trường, DN cần có sự chuẩn bị chu đáo từ sản phẩm, bao bì, mẫu mã, quy cách… đến các phương thức thâm nhập thị trường phù hợp. Trước mắt, DN trong nước cần nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực này để vừa tăng thị phần, vừa giảm nhập siêu và tiến tới từng bước cân bằng cán cân thương mại trong buôn bán với các quốc gia thành viên ASEAN. Ngoài ra, DN phải tự nỗ lực để đổi mới công nghệ, xác định cơ hội thị trường, đầu tư máy móc thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, các DN cần nhận thức và đảm bảo các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật nhất là tại thị trường phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu dựa trên cam kết và lợi thế so sánh, tham gia sản xuất kinh doanh theo phân khúc, theo mạng, cụm, chuỗi. Đặc biệt, DN phải chuyển dần từ cách thức cạnh tranh bằng giá sang chú trọng cạnh tranh phi giá gắn với tiêu chuẩn, mẫu mã giao dịch.

Về phía quản lý nhà nước, cần nỗ lực trong việc cải cách các quy chế như đơn giản hóa thủ tục hành chính, hệ thống hóa và điều chỉnh điều luật không có hiệu quả hay có sự mâu thuẫn. Chính phủ cần có sự hỗ trợ đối với DN, giảm thiểu chi phí giao dịch kinh doanh thông qua việc cắt giảm chi phí đầu vào sản xuất và cung ứng dịch vụ với thời gian ngắn nhất. Ngoài ra, bên cạnh cải tổ, nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh của DN nhà nước, cần tạo điều kiện thuận lợi và ưu đãi cho DN tư nhân để có thể cạnh tranh với DN trong khối ASEAN…

Lạc Phong

Tin cùng chuyên mục