Săn đào má hồng Đà Lạt

Cũng như đào thắm phương Bắc, mai vàng phương Nam, Đà Lạt có đào má hồng đặc trưng cho sắc xuân của thành phố du lịch.
Săn đào má hồng Đà Lạt

Cũng như đào thắm phương Bắc, mai vàng phương Nam, Đà Lạt có đào má hồng đặc trưng cho sắc xuân của thành phố du lịch.

Ngày 23 tháng chạp, chúng tôi xuôi về vùng Trạm Hành (cách TP Đà Lạt khoảng 30km) để gia nhập đoàn săn đào má hồng. Không khí vùng ngoại ô ngày giáp tết bỗng rộn ràng, nhộn nhịp hẳn lên với cảnh xe máy, xe công nông chở đào từ trong vườn rừng về tập kết thành từng dãy bên quốc lộ 20.

Chuyển đào má hồng lên xe chở về Ninh Thuận.

Chuyển đào má hồng lên xe chở về Ninh Thuận.

Việc săn đào má hồng nghe lãng mạn nhưng thực tế rất vất vả, phải làm việc theo nhóm để hỗ trợ lẫn nhau trong việc cưa hạ những cành lớn. Nhiều cây nằm sâu trong rẫy, phải khuân vác hàng cây số mới ra đến đường lộ. Sau khi tập kết đủ số lượng, người ta mới mang đi Đà Lạt bày bán ở các khu vực chợ Đà Lạt, đường Trần Hưng Đạo, ngã tư Phan Chu Trinh hoặc khu vực bến du thuyền hồ Xuân Hương… Cũng có người xếp đào ngay bên quốc lộ 20 để bán cho dân chơi đến từ Nha Trang, Ninh Thuận.

Theo chân “thợ săn đào” Nguyễn Phi Công, chúng tôi dạo qua một số khu vườn tại thôn Trạm Hành 1 để săn đào. Ở đây dường như nhà nào cũng có một vài cây đào má hồng, có nhà trồng trong vườn, có nhà trồng ở hàng rào. Anh Công cho biết, một cành đào má hồng được dân săn đào coi là đẹp nếu đạt các yếu tố: có nụ kịp nở hoa vào dịp tết, có thế đẹp và cành già (đào lão). Giá cả theo đó cũng chênh lệch khá lớn, đào tơ giá khoảng vài trăm ngàn đồng mỗi cành, còn đào lão (nếu có nụ) giá lên tới vài triệu đồng nhưng rất hiếm, đôi khi cả hàng trăm cành mới có một cành nở trúng tết.

Chủ tịch UBND xã Trạm Hành, ông Nguyễn Hữu Âu cho biết, trước đây Xuân Trường (nay tách thành 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành) là vùng chuyên canh cây đào má hồng để lấy quả và bán cành hoa tết. Cách đây vài năm, khu vực La Bá (thôn Trường Thọ) còn là một rừng đào bạt ngàn, nhiều hộ trồng đến 2ha đào. Dần dần, do giá trị kinh tế không cao nên người dân đã chuyển sang trồng hồng ăn trái và cà phê. Hiện toàn xã Trạm Hành chỉ còn khoảng 1.000 cây đào má hồng.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Hai Phi ở phía cuối xã Trạm Hành. Ngay trước sân nhà ông Phi có 2 cây đào cổ thụ 30 năm tuổi. Ông Phi cho biết, trước đây gia đình ông trồng 2ha đào má hồng, bán có tiền lắm. Bây giờ vườn nhà đã chuyển sang trồng cà phê catimo nhưng vẫn giữ vài gốc đào làm kỷ niệm. Riêng 2 cây đào cổ thụ đã có nhiều người trả giá cả trăm triệu đồng nhưng ông không bán.

Người trồng đào là vậy, người săn đào má hồng cũng không đặt mục tiêu lợi nhuận lên đầu. Theo “thợ săn đào” Đoàn Văn Tư, hiện ở Trạm Hành, có khoảng 10 nhóm săn đào tết. Họ coi công việc này như một thú chơi xuân chứ không phải kinh doanh vì lợi nhuận không đáng là bao. Thậm chí, có năm bán đến 30 Tết vẫn còn đọng hàng, phải đổ bỏ, chịu lỗ.

Đào má hồng còn gọi là đào lông, đào phai hoặc đào vạn tượng. Gọi đào má hồng vì khi chín một phần quả đào chuyển sắc hồng phơn phớt như đôi má hồng thiếu nữ. Cũng có người cho rằng, gọi đào má hồng vì hoa đào màu hồng phơn phớt chứ không đỏ như đào thắm phía Bắc (đào Nhật Tân). Đào má hồng có cành khẳng khiu, ít nụ hơn đào Nhật Tân, hoa thường có 5 cánh, trái chín ăn giòn, ngọt và có vị hơi hăng hắc.

 NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục