Sân khấu thành phố: Sự chuyển mình đầy hứa hẹn

Theo thông lệ, cứ qua rằm tháng Giêng, sân khấu TPHCM bắt đầu nhìn lại mùa hoạt động tết đầy sôi nổi, đánh giá những thành công cũng như những khó khăn để có sự điều chỉnh, chuẩn bị cho hoạt động của một năm mới...

Vở kịch thiếu nhi Cuộc phiêu lưu của cậu bé búp bê tại Nhà hát Thanh Niên - Nhà văn hóa Thanh niên, TPHCM. Ảnh: THÚY BÌNH
Vở kịch thiếu nhi Cuộc phiêu lưu của cậu bé búp bê tại Nhà hát Thanh Niên - Nhà văn hóa Thanh niên, TPHCM. Ảnh: THÚY BÌNH

Trăm hoa đua nở

Đánh giá về mùa diễn tết, NSND Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, cho biết: “Năm nay, lĩnh vực sân khấu có thêm nhiều điểm diễn mới nên thị phần khán giả cũng bị chia sẻ nhiều. Đây là thách thức của người làm sân khấu khi phải nỗ lực để thu hút khán giả, nhưng là niềm vui cho người yêu kịch khi có thêm nhiều lựa chọn”.

Một trong những điểm khác biệt giúp cho sân khấu thành phố mùa tết dù nhiều sàn diễn nhưng lại không lâm vào tình trạng “cung nhiều hơn cầu” là việc có sự phân chia thể loại kịch rõ nét ở mỗi sàn diễn. Sân khấu nhỏ 5B năm nay chủ động nhắm đến đối tượng khán giả lớn tuổi, nhất là các Việt kiều về quê ăn Tết, với vở Mặt đối mặt, một phiên bản mới của vở Cha yêu (của cố NSƯT Thanh Hoàng). Đề tài về những người con xa xứ mưu sinh đã tạo sự đồng cảm nơi khán giả.

Từng giành nhiều thành công với đề tài lịch sử qua các vở kịch Nỏ thần, Rạng ngọc Côn Sơn, Má hồng soi kiếm bạc…, mùa tết qua, Sân khấu kịch Hồng Vân và Công ty TNHH Dịch vụ, giải trí Kim Tử Long tiếp tục kết hợp dàn dựng vở kịch Tình sử Thăng Long. Đối tượng khán giả mà hai nghệ sĩ hướng tới là những người yêu thích đề tài sử Việt, đặc biệt là khán giả trẻ. Cũng hướng đến đối tượng khán giả này, sân khấu kịch Hồng Vân còn tiếp tục diễn qua mùa tết 2 vở Ai kế tiếp Hậu cung ngoại truyện.

Các sân khấu khác cũng thể hiện rõ chất riêng như, Sân khấu Thế Giới Trẻ hướng đến đề tài gia đình pha chút hài hước với Mỹ nam đại chiến, Ở đây ai tỉnh, Dream boy, Tâm ma...; Sân khấu Hoàng Thái Thanh tiếp tục khai thác thế mạnh kịch tâm lý xã hội với Lạc ở đáy sôngLồng sắt; Nhà hát kịch Idecaf thiên về tính trào phúng với Tấm Cám đại chiến, Một ngày làm vua, Vàng ơi là vàng, Bích Hoa - Cô là ai?; Nhà hát Thanh Niên khai thác các vấn đề nóng của showbiz qua Cuộc chiến Mentor, Lạc lối ở Bangkok...

Có thể nói, chính nhờ sự phân chia mảng miếng đề tài giữa các sân khấu, tránh tình trạng “dẫm lên chân nhau” với các tác phẩm cùng chung chủ đề từng diễn ra ở các mùa diễn tết trước đây, đã giúp sân khấu Tết Giáp Thìn 2024 dù đông sàn diễn nhưng “trăm hoa đua nở”. Theo đánh giá chung, hầu hết các sân khấu đều có mức lấp đầy trên 70%. Một con số được đánh giá là thành công lớn của sân khấu TPHCM sau thời gian gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động tiêu cực của kinh tế.

Năm của kịch thiếu nhi

Do ra mắt sát ngày nghỉ tết, Sân khấu Ban Mai - sân khấu đa trải nghiệm dành cho thiếu nhi (tại sân khấu Hòa Bình C30, quận 10) của đạo diễn trẻ Bảo Chu ít được khán giả biết đến. Đạo diễn Bảo Chu cho biết: “Từ mùng 1 đến mùng 3 tết, lượng khán giả mua vé chỉ đạt khoảng 50%-60%/suất. Nhưng từ mùng 4 đến mùng 9, nhờ thông tin bắt đầu lan tỏa, số vé bán ra tăng vọt, đạt khoảng 80%-90%/suất diễn. Năm 2024, sân khấu sẽ đầu tư dàn dựng thêm nhiều vở kịch thiếu nhi đa sắc màu để đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải trí của khán giả nhỏ tuổi”, đạo diễn Bảo Chu chia sẻ.

6a-199.jpg
Chương trình nghệ thuật xiếc chào xuân mới “Rồng vàng Tết Việt” của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam

Tập trung phục vụ đối tượng khán giả thiếu nhi cũng là hướng đi chính của các sân khấu vào năm 2024. Nếu trước đây, các chương trình cho thiếu nhi chủ yếu là Ngày xửa ngày xưa (do Sân khấu kịch Idecaf phối hợp một số đơn vị thực hiện), thì nay mảng kịch thiếu nhi đã trở nên vô cùng đa dạng.

Chỉ tính riêng dịp Tết Giáp Thìn 2024, hàng loạt vở kịch thiếu nhi ra mắt như Cuộc phiêu lưu của cậu bé búp bê (Nhà hát Thanh Niên - Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM); Thế giới đồ chơi và câu chuyện cậu bé Rồng, Đại náo long cung, Bộ lạc nanh trắng (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B)… Đặc biệt, vở rối nước Trước ngọn sóng (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam) đã thành công thu hút khán giả, cho thấy hiệu quả của cách làm mới loại hình nghệ thuật truyền thống.

Có thể nói, sân khấu TPHCM với một mùa Tết Nguyên đán thành công đã tiếp tục ghi dấu ấn bởi cách làm mới, năng động, chuyên nghiệp hơn. Đó cũng là cơ sở để các nghệ sĩ, ông bầu sân khấu sẵn sàng cho một sự chuyển mình đầy hứa hẹn trong năm 2024.

Tin cùng chuyên mục