(SGGP).- Đó là số liệu do TS Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) đưa ra tại hội thảo “Tìm đầu ra cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp miền Trung - Tây Nguyên” tổ chức tại Đà Lạt ngày 5-10.
Theo TS Dương Đình Giám, nhiều mặt hàng của các làng nghề Việt Nam như: sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ gia dụng, gỗ mỹ nghệ… đã xuất sang 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, có các thị trường truyền thống (Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore) và các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU…
Giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam (mây, tre, cói, lá, thảm, gốm sứ, sơn mài, mỹ nghệ, hàng thêu) trong 8 tháng đầu năm 2012 đạt 1,1 tỷ USD và dự báo cả năm 2012 đạt 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, sự phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề Việt Nam chưa có quy hoạch, quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ lao động không đồng đều. Đặc biệt, điểm yếu của các làng nghề truyền thống là chưa có chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm.
Hội thảo đã nêu ra những định hướng chính để phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống như: phát triển làng nghề gắn với du lịch làng nghề; phát triển theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường; phát triển theo tiêu chí 5T (tổ chức liên kết, thương hiệu và thị trường, truyền nghề và phát triển nguồn nhân lực, tạo nguồn nguyên liệu, triển khai bằng dự án).
N.VIÊN