Sản xuất “anime địa phương”

PHƯƠNG NAM
Sản xuất “anime địa phương”

Anime (phim hoạt hình) đã không còn xa lạ với đông đảo các bạn trẻ trên thế giới. Đối với Nhật Bản, anime không chỉ đơn thuần là một phương tiện giải trí mà còn là ngành công nghiệp không khói, đem về cho nước Nhật rất nhiều lợi nhuận. Từng có dự báo cho rằng anime sẽ lao dốc nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi khi các nhà sản xuất anime đã chuyển mình theo hướng cho ra mắt những “anime địa phương”.

Xưởng phim Synergy88

Ngành công nghiệp anime Nhật Bản là một ngành công nghiệp non trẻ so với các ngành công nghiệp khác nhưng đã tồn tại và phát triển qua nhiều thập niên, và đạt những thành tựu đáng kể. Hiện nay, ở Nhật Bản có hơn 430 công ty sản xuất anime, trong đó phải kể đến những studio (xưởng phim) lớn như Toei Animation, Gainax, Madhouse, Sunrise, Nippon Animation, Studio Pierrot, Studio Ghibli… Vốn được nước Nhật sử dụng như một cách để giới thiệu văn hóa, tạo hình ảnh tốt đẹp, gây thiện cảm với các nước trên thế giới nên anime từng làm mưa làm gió trên thị trường nhiều nước, đặc biệt là tại khu vực châu Á. Anime thông thường được làm theo cốt truyện của những bộ manga (truyện tranh) nổi tiếng và ngược lại, những bộ anime ăn khách thu hút nhiều người xem sẽ được chuyển thể thành manga. Thậm chí một số anime còn được làm thành những tựa game hấp dẫn. Theo thống kê, anime chiếm tới 60% lượng phim hoạt hình trên thế giới cho nên có rất nhiều bộ với nội dung bị lặp lại gây nhàm chán.

Theo Nikkei Asian Rewiew, đến năm 2014, lợi nhuận xuất khẩu anime chỉ đạt 19,6 tỷ yen (192 triệu USD), tương đương 60% doanh số từng đạt đỉnh vào năm 2005. Đến giai đoạn năm 2016, các nhà sản xuất anime nhận thấy nhiều nước châu Á đang mong muốn có những anime mang đậm văn hóa của nước mình với những cốt truyện gần gũi hơn. TV Asahi - đơn vị sản xuất loạt phim hoạt hình ăn khách Doraemon đang hợp tác với Philippines để cho ra mắt bộ phim anime đầu tiên mang tên Bangragay 143. Đây là bộ phim kể về một nhóm các thiếu niên chơi bóng rổ tại trường trung học ở Manila (Philippines). Bóng rổ vốn là môn thể thao gần gũi với người dân Philippines nên các nhà sản xuất đã chọn môn thể thao này là đề tài chủ đạo xuyên suốt bộ phim. Dự kiến thời gian lên sóng vào năm 2017. Tham gia trong nhóm sản xuất có đạo diễn anime Nhật Bản, viết kịch bản và đồng sản xuất là nhóm Synergy88 của Philippines. Synergy88 là một studio đặt tại thành phố Quezon, với số lượng nhân viên là 100 người. Các nhà sản xuất còn hy vọng đưa Bangragay 143 xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài TV Asahi, Công ty Creek&River Nhật Bản đã xin được giấy phép hợp tác cùng Parallax Media (Trung Quốc) sản xuất một anime dài 25 tập dự kiến phát hành vào đầu năm sau. Đảm nhận vai trò họa sĩ chính trong anime này là họa sĩ nổi tiếng Junji Ito.

Poster quảng cáo phim Bangragay 143

Dự báo của nhiều chuyên gia cho thấy, trong thời gian tới, xu hướng hợp tác giữa các họa sĩ anime Nhật Bản và khu vực châu Á sẽ tiếp tục được mở rộng. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, ngành công nghiệp nội dung tại châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) sẽ mở rộng hơn 70% so với năm 2013, đạt con số 165 tỷ USD vào năm 2020. Nếu các công ty sản xuất manga và anime Nhật Bản không nắm bắt xu hướng phát triển này thì đây sẽ là bất lợi lớn cho ngành công nghiệp vốn được coi là chủ lực tại xứ hoa anh đào. Xu thế sản xuất phim hoạt hình trên thế giới hiện nay là dựa vào các phần mềm theo tiêu chuẩn và thực hiện theo công nghệ kỹ thuật số nhưng xu thế này vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi tại Nhật. Nhiều họa sĩ Nhật vẫn quen sử dụng bút và giấy. Nhằm tạo thêm thuận lợi hơn cho việc hợp tác sản xuất với các đối tác nước ngoài, Công ty Kadokawa đã trở thành đơn vị tiên phong trong việc đào tạo các họa sĩ manga và anime tại Thái Lan, Đài Loan. Sắp tới, Kadokawa sẽ mở thêm các trường đào tạo tại Malaysia và Indonesia.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục