Sản xuất cá tra sạch ở ĐBSCL

Sản xuất cá tra sạch ở ĐBSCL

Những năm qua, ngành công nghiệp cá tra Việt Nam có bước chuyển mạnh về chất lượng nhằm đáp ứng đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng thế giới về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại Trà Vinh, Công ty TNHH Thủy sản Sài Gòn - Mekong là cơ sở đi đầu trong việc nuôi cá theo tiêu chuẩn Global GAP.

Quản lý chặt quy trình

Chiều 10-3, theo chân anh Mai Đăng Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn - Mekong, chúng tôi tìm đến vùng nuôi cá Global GAP thuộc xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, một cù lao nằm giữa sông Cổ Chiên có nguồn nước rất tốt. Khu vực này rộng trên 15 ha được chọn là nơi xây dựng vùng nuôi cá sạch gần 2 năm qua.

Để được công nhận chứng chỉ Global GAP vào tháng 7-2010 phải trải qua nhiều thách thức. Trước nhất, thay đổi quan niệm về nuôi cá kiểu cũ để ứng dụng mô hình nuôi mới. Theo đó, vùng nuôi được quy hoạch rõ ràng, đắp đê bao vững chắc và xây hàng rào bảo vệ cách ly khu vực dân cư. Vùng nuôi được chia thành 2 ao lớn, mỗi ao đều dành đất bố trí khu vực ao lắng và ao xử lý nước thải riêng biệt.

Thông thường nguồn nước trước khi đưa vào vùng nuôi phải qua hệ thống ao lắng xử lý từ 2 - 3 ngày nhằm đảm bảo an toàn; ngược lại nước thải cũng được xử lý chu đáo trước khi thải ra bên ngoài nên không gây ô nhiễm. Đối với con giống được tuyển chọn kỹ lưỡng không bị nhiễm bệnh và được đội ngũ công nhân theo dõi “sức khỏe” hàng ngày.
 
Có thể nói, trên 20 công nhân bám chặt vùng nuôi Global GAP từ sáng sớm đến tối để chăm sóc, làm vệ sinh, theo dõi tình hình… Tất cả mọi diễn biến của cá đều được xử lý kịp thời và ghi chép sổ sách hẳn hoi. Đây là cách làm rất khác so với cách nuôi cá thông thường. Nhờ sự quản lý chặt nên chất lượng cá rất đảm bảo.
 
Tập trung nâng cao chất lượng

Mới tháng rồi, Công ty Sài Gòn - Mekong thu hoạch 250 tấn cá sạch đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Hoa Kỳ. Trước đó, công ty cũng thu hoạch hàng trăm tấn cá tra Global GAP và được đối tác quốc tế đặt mua với giá cao.

Thu hoạch cá tra nuôi theo tiêu chuẩn Global GAP để chế biến, xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Thu hoạch cá tra nuôi theo tiêu chuẩn Global GAP để chế biến, xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Anh Mai Đăng Hòa phấn khởi: “Từ khi đạt tiêu chuẩn Global GAP đơn hàng liên tục tăng vọt, trong đó có nhiều hợp đồng dài hạn. Bởi sản xuất cá sạch là xu thế tất yếu nên người tiêu dùng thế giới rất ủng hộ”.

Anh Nguyễn Văn Hải bộc bạch, nuôi cá sạch phải chấp nhận tốn chi phí tăng thêm từ 20% - 25% so với thông thường nhưng bù lại sản phẩm không “sợ ế”. Hiện cá sạch từ 25.500 - 26.000 đồng/kg trở lên, số lượng bao nhiêu cũng bán hết. Cái khó hiện nay là một số hộ chưa quen nên lúc đầu gặp khó trong việc quản lý, ghi chép sổ sách… vì vậy họ chưa mạnh dạn áp dụng.

“Chúng tôi không hiểu căn cứ vào đâu mà một số thông tin từ nước ngoài cho rằng nuôi cá tra ở ĐBSCL chưa hợp vệ sinh. Hiện tại, ngoài những vùng nuôi Global GAP đáp ứng tuyệt đối tiêu chuẩn quốc tế thì những hộ nuôi cá khác cũng tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước đây, cá tra được nuôi lồng bè trên sông thì nay chuyển hẳn sang nuôi ao hầm có xử lý nguồn nước và môi trường rất tốt. Cứ thử hình dung, chỉ nuôi 100 tấn cá tra đã tiêu tốn từ 2 - 2,2 tỷ đồng, số vốn rất lớn. Nếu ai nuôi không đạt chất lượng, bị doanh nghiệp chê không mua thì lập tức phá sản. Chính vì đầu tư lớn nên việc nuôi cá rất được quan tâm và chất lượng được ưu tiên số 1” - anh Mai Đăng Hòa cho biết.
 
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian qua nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL thay đổi tích cực; người nuôi đã liên kết với doanh nghiệp để nuôi theo “đơn đặt hàng”, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay đã có 20 doanh nghiệp và 40 vùng nuôi cá tra được cấp chứng nhận Global GAP, nhiều doanh nghiệp khác tiếp tục triển khai. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 100% vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn Global GAP.
 
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Cá tra Việt Nam có lợi thế “số 1” trên thế giới. Do đó hễ cá tra xuất khẩu đến đâu là ở đó có sự phản ứng và gây khó, bởi khả năng cạnh tranh rất lớn. Để đối phó vấn đề này, tới đây nghề cá sẽ không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng.

Các địa phương xem xét giảm diện tích nuôi nhỏ lẻ để phát triển mô hình nuôi công nghiệp có sự quản lý chặt đầu vào - đầu ra. Bộ sẽ tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, làm việc với ngân hàng về cung ứng vốn, doanh nghiệp và người nuôi phải liên kết chặt hơn từ sản xuất đến xuất khẩu. Liên kết là vấn đề tất yếu vừa để tăng chất lượng sản phẩm, đồng thời nâng cao chuỗi giá trị cho cá tra.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục