Sản xuất, kinh doanh dược ra quân đầu năm: Nâng chất để cạnh tranh

Sản xuất, kinh doanh dược ra quân đầu năm: Nâng chất để cạnh tranh

Trong những ngày đầu năm, tình hình sản xuất, kinh doanh dược phẩm bắt đầu “nóng” trở lại. Nhiều doanh nghiệp dược chủ động sản xuất sớm nhằm cung ứng đủ thuốc phòng và điều trị cho người dân. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đã nhận được hợp đồng xuất khẩu thuốc với số lượng lớn.

Dồn dập ra quân đầu năm

Mặc dù vừa chuyển nhà máy về xã Tân Hiệp, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương nhưng Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương (VIDIPHA) đã triển khai sản xuất khá sớm. Công nhân của công ty được đưa rước từ TPHCM và làm thông tầm đến 3 giờ chiều. Dược sĩ Kiều Hữu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty, cho biết, năm 2011, công ty ổn định sản xuất sớm nhằm góp phần đảm bảo cung ứng thuốc cho các bệnh viện, nhà thuốc trong cả nước, tránh tình trạng “đứt đoạn”.

Sản xuất thuốc tại nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO của Công ty Vidipha. Ảnh: TG.LÂM
Sản xuất thuốc tại nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO của Công ty Vidipha. Ảnh: TG.LÂM

Trong khi đó, từ mùng 2 Tết Nguyên đán, Công ty cổ phần Hóa dược phẩm Mekophar cũng đã ra quân sản xuất nhằm kịp xuất khẩu lô hàng thuốc chống sốt rét, thuốc kháng sinh cho các nước ở châu Phi với số lượng lên tới 5 triệu đơn vị trong năm 2011.

Dược sĩ Huỳnh Thị Lan, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết hiện 10 dây chuyền sản xuất của công ty đã hoạt động hết công suất nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho các đơn vị mà công ty ký hợp đồng phân phối. Mekophar là một trong những doanh nghiệp dược đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN và là công ty dược duy nhất của Việt Nam sản xuất nguyên liệu kháng sinh Betalactam cung cấp cho các công ty dược trong và ngoài nước.
 
Với định hướng tăng lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng phục vụ cho nhu cầu điều trị trong nước, một số công ty dược khác như Boston Pharma, OPC, Imexpharm, STADA-Việt Nam, Savipharm… cũng đang sôi động không khí sản xuất đầu năm.

Vừa được Bộ Y tế trao giấy chứng nhận GMP (Thực hành tốt sản xuất thuốc) của Bộ Y tế Nhật Bản hồi cuối tháng 1-2011, Savipharm đang có cơ hội không chỉ đảm bảo chất lượng thuốc cung ứng trong nước mà còn có thể xuất khẩu thuốc sang Nhật Bản và các nước khác.

Hay Boston Pharma có kế hoạch sản xuất 200 triệu đơn vị thuốc các loại, tăng 15% so với năm 2010. Đồng thời đang xúc tiến thủ tục xuất khẩu thuốc sang các nước Myanmar, Campuchia.

Đủ cung ứng thuốc cho bệnh viện

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện các bệnh viện trực thuộc TP đã cơ bản hoàn tất việc đấu thầu cung ứng thuốc điều trị cho người bệnh trong năm 2011. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết hiện chỉ còn một số ít bệnh viện gấp rút hoàn thành hợp đồng đấu thầu với các doanh nghiệp dược.

Trong năm 2011, nguồn thuốc sản xuất trong nước, nhất là của các hãng dược trong nước được ưu tiên. “TPHCM hiện có gần 20 nhà máy sản thuốc thuốc đạt chuẩn GMP-WHO, chất lượng sản phẩm tương đương nhiều mặt hàng thuốc ngoại, giá thành lại thấp hơn thì đương nhiên phải ưu tiên trúng thầu vô bệnh viện”, PGS Phong Lan nói.

Bên cạnh đó, chưa kể một loạt công ty dược khác của trung ương đang lấy năm 2011 làm năm thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và cạnh tranh gay gắt với các công ty dược nước ngoài như Công ty Dược phẩm Trung ương II (Coduphar), Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex…

Điều đáng nói, hiện Công ty TNHH MTV dược Sài Gòn (Sapharco) trực thuộc TPHCM có nhiệm vụ đảm bảo sản xuất, cung ứng thuốc điều trị cho người dân TP được đánh giá là đơn vị phân phối thuốc chuyên nghiệp. Hiện Sapharco có 17 công ty thành viên với nhiều công ty sản xuất thuốc như Roussel Việt Nam, Pharmedic, Dược phẩm quận 10, Dược phẩm 3-2… sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn thuốc điều trị cho người dân TP.

Dược sĩ Lê Minh Trí, Tổng Giám đốc Sapharco, cho biết năm 2011 công ty thúc đẩy hơn nữa mạng lưới cung ứng, phân phối thuốc đến tay người bệnh. Không chỉ cung ứng cho bệnh viện, công ty đang mở rộng mạng lưới bán lẻ thông qua hệ thống nhà thuốc SPG đạt chuẩn GPP và cả nhượng quyền phân phối để đảm bảo thuốc đến tận tay người bệnh vừa chất lượng tốt, vừa phù hợp giá cả.
 
Tuy nhiên, mặc dù nguồn thuốc trong nước có khả năng đáp ứng nhu cầu điều trị cho người dân nhưng theo đánh giá của các chuyên gia thì vẫn chủ yếu là các loại thuốc thông thường. Các loại thuốc đặc trị, thuốc còn bảo hộ độc quyền vẫn phải nhập khẩu với giá thành cao.

Chính vì vậy, khuyến khích hơn việc các công ty dược trong nước nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc đặc trị đã hết bảo hộ độc quyền là rất cần thiết.


TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục