Mặc dù là thành phần cần thiết để sản xuất ra nhiều loại kháng sinh ngừa bệnh nhưng nguyên liệu kháng sinh do trong nước sản xuất hiện rất èo uột. Theo Bộ Y tế, cả nước có 3 nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh nhưng thực tế chỉ Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar (trước đây là Xí nghiệp Dược phẩm TƯ 24) hoạt động đáng kể.
Chưa đáp ứng nhu cầu
Theo DS Huỳnh Thị Lan, Tổng Giám đốc Mekophar, sau khi mua lại nhà máy từ Công ty Liên doanh Woopyung - Mekophar tháng 6-2000, Xí nghiệp Dược phẩm TƯ 24 (nay là Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar) duy trì sản xuất nguyên liệu kháng sinh và đầu năm 2004 đã nâng công suất nhà máy lên 400 tấn/năm để phục vụ đủ nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, do cạnh tranh về giá cả với hàng ngoại nhập từ Ấn Độ và Trung Quốc, sản lượng tiêu thụ trong nước chưa đáp ứng nhu cầu.
Chẳng hạn, tổng sản lượng kháng sinh Amox năm 2009 là 100,6 tấn trong khi nhu cầu trong nước về nguyên liệu Amoxicillin là 489,344 tấn. Tương tự là Ampi với nguyên liệu là Ampicillin.
Theo DS Lan, hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục thua lỗ là do nguồn nguyên liệu ngoại nhập liên tục bán phá giá. Mặc dù luôn gặp khó khăn, nhưng theo DS Lan, việc phát triển sản xuất nguyên liệu kháng sinh có ý nghĩa thiết thực trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược của ngành dược nước nhà nên Công ty Mekophar cũng đang hoạch định chương trình phát triển của mình trong lĩnh vực này.
Cụ thể, công ty đang sản xuất 2 nguyên liệu Amoxicillin trihydrate và Ampicillin trihydrate (với công suất 450 tấn/năm); thiết lập và trình báo cáo đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh Cephalexin monohydrate (trong chương trình phát triển sản xuất nguyên liệu kháng sinh thuộc chương trình phát triển công nghiệp hóa dược quốc gia); thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ bán tổng hợp nguyên liệu kháng sinh Cefaclor monohydrate”…
Theo các chuyên gia dược liệu, việc đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu thuốc kháng sinh làm thuốc phòng, chữa bệnh cho người có vai trò rất quan trọng hiện nay trước thách thức của nhiều dịch bệnh. Tuy nhiên, đến nay, đánh giá chung cho thấy việc công nghiệp hóa dược Việt Nam còn yếu và chậm. Hầu hết sản phẩm thuốc, hóa chất cho công nghiệp hóa dược phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Giá trị nhập khẩu thuốc của Việt Nam năm 2009 là 1,17 tỷ USD, trong đó phần nguyên liệu lên tới 267 triệu USD. Đáng chú ý, nhu cầu sử dụng hoạt chất kháng sinh rất lớn, tuy nhiên trong nước hiện mới chỉ có 3-4 dự án nghiên cứu triển khai sản xuất 11 loại hoạt chất này và hầu hết đều… dậm chân tại chỗ.
Cần cơ chế hỗ trợ
Mới đây, đánh giá kiến nghị của Công ty Mekophar đối với dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh Cephalexin monohydrate, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, cùng các bộ Tài chính, Y tế, Khoa học và Công nghệ… tính toán chi tiết đề xuất cơ chế, chính sách, mức hỗ trợ cụ thể trình Thủ tướng phê duyệt.
Động thái này cho thấy Chính phủ đã phần nào quan tâm đến việc phát triển nguyên liệu kháng sinh nhằm góp phần thúc đẩy nền công nghiệp dược nước nhà. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp dược, họ gặp khá nhiều khó khăn như kinh phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, vốn, nguyên phụ liệu đầu vào và đặc biệt lo ngại về giá thành sản phẩm không thể cạnh tranh với giá nhập khẩu. “Chính vì vậy nhiều doanh nghiệp không dám mạo hiểm đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh”, một giám đốc doanh nghiệp dược nói.
Với việc phụ thuộc vào nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp dược trong nước hết sức khó khăn do không chủ động sản xuất, giá thành sản phẩm cao, khả năng cạnh tranh kém… Do đó, nói như DS Huỳnh Thị Lan, nếu không có sự hỗ trợ cụ thể từ Chính phủ thì rất khó để sản xuất nguyên liệu kháng sinh trong nước phát triển.
DS Lan kiến nghị có chính sách hỗ trợ kinh phí mua công nghệ, được vay vốn ưu đãi, có chính sách miễn thuế hoàn toàn cho các nguyên phụ liệu nhập khẩu đầu vào, có chính sách bảo hộ sản phẩm đầu ra cho các dự án trong chương trình sản xuất nguyên liệu kháng sinh tại Việt Nam. Ngoài ra, phải thực hiện nghiêm luật chống bán phá giá, không cấp phép cho dự án sản xuất nguyên liệu kháng sinh giống nhau để tránh sự đầu tư trùng lắp không cần thiết dẫn đến cạnh tranh nội bộ không lành mạnh.
Các doanh nghiệp trong Tổng Công ty Dược Việt Nam và Hiệp hội Các nhà sản xuất dược Việt Nam cũng cần ủng hộ việc sử dụng những nguyên liệu kháng sinh sản xuất trong nước để sản xuất thành phẩm...
Tường Lâm