Sản xuất nhiệt điện từ trấu - Để biến tiềm năng thành hiện thực

Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng trấu để sản xuất điện thành công, với giá thành hợp lý, vừa tiết kiệm nguồn nhiên liệu hóa thạch không tái tạo, vừa bảo vệ môi trường do trấu không được xử lý gây ra.

Thái Lan đã có 2 nhà máy nhiệt điện dùng trấu tại tỉnh Nakornrachasima (công suất 2,5 MW) và tỉnh Pathumtami (công suất 10 MW). Ít tiềm năng hơn nước ta, nhưng Campuchia cũng đã có nhà máy nhiệt điện dùng trấu tại tỉnh Ang Snoul, công suất 2 MW; Malaysia có nhà máy tại Perak công suất 1,5 MW… Trong khi đó, Việt Nam là một nước sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới, mỗi năm các cơ sở xay xát gạo thải ra tới 7,5 - 8 triệu tấn vỏ trấu. Lượng trấu có thể thu gom được ở dạng tập trung vào khoảng 4,5 triệu tấn, đã được sử dụng 3 triệu tấn vào các mục đích đun nấu, củi ép, ván ép… còn 1,5 triệu tấn trong chính vụ thường dư thừa phải thải ra kênh, rạch, gây ô nhiễm môi trường.

Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ với 1,5 triệu tấn trấu dư thừa trong mùa thu hoạch đã có thể dùng làm nhiên liệu trong các nhà máy nhiệt điện, tạo ra tới 1 - 1,2 triệu kWh/năm. Là một chuyên gia về năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, ông Hironori Kawamura, đại diện NEDO khu vực Đông Nam Á (Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản) cho biết, Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhiệt điện sử dụng trấu. Từ những tính toán, khảo sát các khu vực có nhiều cơ sở xay xát gạo, khả năng thu gom, vận chuyển bằng đường thủy (trong vòng bán kính 30km), NEDO đề xuất 3 dự án nhiệt điện sử dụng trấu: Hòa An (An Giang), Cai Lậy (Tiền Giang) và Tân An (Long An), cùng công suất 4 MW.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình khi dựa vào các yếu tố: giá trấu hiện tại khoảng 300 đồng/kg, theo xu thế có thể tăng tới 500 đồng/kg; phương thức vẫn chuyển bằng thuyền gỗ 15-20 tấn, có nhiều trong dân; Chính phủ đang xây dựng 3 trung tâm nông nghiệp thử nghiệm để hỗ trợ phát triển thị trường gạo tại Long An, Tiền Giang, An Giang…

Triển vọng nhiều là vậy, nhưng theo tiến sĩ Trần Quang Cử, cố vấn IFC, phát triển năng lượng trấu còn gặp nhiều rào cản phải có biện pháp khắc phục. Đó là 99% các cơ sở xay xát có quy mô nhỏ, phân tán nên việc thu gom trấu với số lượng lớn rất khó khăn; khối lượng riêng trấu chỉ 120kg/m3 nên khó vận chuyển, chi phí vận chuyển sẽ rất cao; khó đảm bảo đầy đủ nguồn nhiên liệu cả năm do sản lượng trấu không đều theo mùa vụ lúa và phân tán…

Rõ ràng, để có thể tận dụng được tất cả các nguồn trấu nhỏ lẻ, phân tán trên diện rộng, việc cần tính toán trước tiên chính là cần nghiên cứu các loại máy ép trấu thành các thanh đốt có công suất phù hợp đặt tại khu vực có cơ sở xay xát. Khi trấu ép thành củi sẽ vận chuyển và lưu kho bãi dễ dàng, ít chiếm diện tích hơn, nhà máy chủ động được nguồn nhiên liệu, ổn định giá trấu nhờ những hợp đồng dài hạn với các cơ sở xay xát.

Ông Lê Tuấn Phong, Vụ phó Vụ Năng lượng Bộ Công thương, cho biết hiện nay bộ này đang nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ về kịch bản phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có việc thu phí các nhà máy sử dụng, khai thác nhiên liệu hóa thạch để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo. Đây là một tiền đề giúp các nhà đầu tư có thể quyết tâm chuyển hướng nghiên cứu đầu tư nhà máy nhiệt điện đốt bằng trấu. Như vậy, nguồn cung nhiên liệu đã khả thi, thủ tục pháp lý về đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối đã có, các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn đang chờ những cơ chế hỗ trợ về vốn, ưu đãi giá bán điện (năng lượng sạch được thu mua giá cao hơn so với năng lượng truyền thống)… để mạnh dạn biến tiềm năng này thành hiện thực.

Kim Thanh

Tin cùng chuyên mục